(Tổ Quốc) – Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trong đó quan điểm xuyên suốt của quận Tây Hồ là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng Quận thành trung tâm dịch vụ- du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030″, trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ- du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ như: Du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực…”.
Thúc đẩy phát triển không gian văn hóa sáng tạo
Cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân) ra đời năm 2018, tái khởi động năm 2022, đã được quan tâm đầu tư đổi mới cả về chất và lượng. Với định hướng xây dựng một Không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó người dân là chủ thể sáng tạo, thụ hưởng, Quận ủy đã chỉ đạo UBND Quận tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phong phú. Các đêm diễn do chính cán bộ, nhân dân các phường hay các đoàn thể xã hội luân phiên tổ chức. Nhiều nghệ sỹ chuyên nghiệp là công dân sinh sống trên địa bàn các phường đã nhiệt tình đóng góp cho các chương trình nghệ thuật của phường sở tại, giúp các chương trình được nâng tầm chất lượng. Riêng năm 2023, gần 40 sự kiện văn hóa đặc sắc của thành phố Hà Nội và của quận được tổ chức thành công tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Toàn bộ 8 phường và 17 trường học trên địa bàn quận đã xây dựng kế hoạch, đầu tư có tính chiến lược đối với các hạt nhân văn nghệ, thể thao trên địa bàn.
14 đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Không gian văn hóa sáng tạo. Bên cạnh đó còn có nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ như Chương trình Vũ điệu kết đoàn – Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 , Du lịch Hà Nội chào 2024 và Công bố khu du lịch Nhật Tân là khu du lịch cấp thành phố, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 gắn với giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP các tỉnh miền núi phía Bắc, Giải Tây Hồ Half Marathon và Kid Run The Earth…
Đổi mới hoạt động của Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ – phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với các nghệ sĩ chuyên nghiệp không chỉ giúp phát hiện những hạt nhân văn nghệ cơ sở có tài năng để bồi dưỡng, phát huy; góp phần đưa chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao từ cơ sở được nâng cao, mà quan trọng hơn là đã thực sự xây dựng được một Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, nơi người dân được sáng tạo, thực hành và hưởng thụ chính những giá trị văn hóa do cộng đồng đem lại, cải thiện đời sống tinh thần người dân, thu hút khách du lịch. Từ đó, khẳng định vai trò và tiềm lực của Tây Hồ trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần làm tăng vị thế của quận trong giai đoạn phấn đấu đưa Tây Hồ sớm trở thành Trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Xác định tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan Hồ Tây chính là tiềm năng to lớn để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới.
Với một hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc và tiêu biểu quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của di sản, tạo điểm đến du lịch. Quận đầu tư xây dựng một số không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia…; Tổ chức chỉnh trang, nâng cấp Vườn hoa Lý Tự Trọng và cải tạo 2 nhà biệt thự cũ tại đây để triển khai điểm thông tin dịch vụ du lịch văn hóa của quận.
Theo Quận Tây Hồ, để xây dựng Không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và toàn thể người dân.
Do đó, cần tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, từ đó thấy được sự cần thiết của các không gian sáng tạo văn hóa. Việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của không gian văn hóa sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các không gian văn hóa phát triển, thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp cùng người dân tham gia giữ gìn, sáng tạo, lan tỏa, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.
Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý giúp cho hoạt động sáng tạo văn hóa được thông suốt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn. Đổi mới tư duy lãnh đạo và phương pháp quản lý của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trong đó có hoạt động của các không gian văn hóa sáng tạo.
Tăng cường truyền thông quảng bá và tiếp cận. Quảng bá các sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa của Tây Hồ thông qua các kênh truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chương trình giáo dục truyền thống để tăng cường hiểu biết và nhận thức về truyền thống văn hóa lịch sử và lễ hội của quận.
Đầu tư, triển khai số hóa dữ liệu di sản, ứng dụng công nghệ trong quản lý, truyền thông quảng bá văn hoá, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa và xu hướng du lịch thông minh trong giai đoạn hiện nay.
Kêu gọi các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, hỗ trợ sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật địa phương và các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Định hướng phát triển không gian văn hóa sáng tạo
Hiện nay, Quận đang triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận. Theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát huy giá trị của di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản văn hóa phi vật thể của quận Tây Hồ gắn với xây dựng các Không gian văn hóa sáng tạo mới nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội.
Trong thời gian tới, quận Tây Hồ định hướng tiếp tục đầu tư tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa điểm nhấn, đặc trưng của Quận, gắn với Hồ Tây, với các di tích lịch sử – văn hóa xung quanh Hồ Tây (thực cảnh Hồ Tây).
Xây dựng chuỗi các hoạt động văn hóa liên quan: từ triển lãm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật đến các hoạt động trải nghiệm văn hoá. Quận tiếp tục phối hợp với Sở VHTT, Sở Du lịch tổ chức tốt sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong chuỗi hoạt động chung của thành phố được tổ chức tại các không gian văn hóa, phố đi bộ trên địa bàn.
Tổ chức các lễ hội, các tour du lịch văn hoá, tập trung vào việc khám phá truyền thống văn hóa lịch sử và tham gia vào lễ hội địa phương.
Bên cạnh đó là phối hợp nghiên cứu, đầu tư phát triển khu vực Bãi giữa sông Hồng trở thành một không gian văn hóa sáng tạo, thu hút cộng đồng, tăng khả năng khai thác cho du lịch, góp phần phát triển trục sông Hồng trở thành trục “xanh-sinh thái-văn hóa” giữa lòng Hà Nội, với nhiều hình thức vui chơi giải trí hấp dẫn đáp ứng nhu cầu giải trí mới của người dân và khách du lịch.
Việc xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh quận Tây Hồ đẹp hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, dựa trên truyền thống văn hóa lịch sử và lễ hội của quận Tây Hồ để phát triển công nghiệp văn hoá, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo ra môi trường văn hóa sáng tạo phong phú.
Nguồn: https://toquoc.vn/quan-tay-ho-gan-khong-gian-van-hoa-sang-tao-moi-voi-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-20241201173657587.htm