Sau khi bị rắn cắn, người thân bệnh nhi 15 tuổi (ngụ H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) dùng bài thuốc nam chữa trị bằng cách đắp lá (chưa rõ loại lá gì) vào vết thương nhưng không khỏi bệnh mà tình trạng bệnh nặng thêm.
Ngày 1.12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi N.T.T.A (15 tuổi, ngụ H.Triệu Sơn) sau 4 ngày điều trị vết thương rắn cắn, đến nay sức khỏe đã hồi phục và vừa được xuất viện.
Trước đó, bệnh nhi A. chơi ở gần nhà thì bị rắn cắn vào gót chân trái. Người thân không đưa bệnh nhi đến bệnh viện ngay mà tự chữa trị bằng bài thuốc nam, lấy lá đắp vào vết thương.
Tuy nhiên, vết thương của bệnh nhi A. không khỏi mà ngày càng nghiêm trọng. Khu vực bị rắn cắn sưng đau, bầm tím nên lúc này gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị.
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra và phát hiện bệnh nhi A. đang bị rối loạn đông máu, tình trạng bệnh rất nặng. Các bác sĩ đã tiến hành vệ sinh vết thương, đồng thời truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn theo phác đồ điều trị rắn cắn của Bộ Y tế. May mắn, sức khỏe bệnh nhi A. đã dần hồi phục và xuất viện sau 4 ngày điều trị.
Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hiện tại bệnh viện đang điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn cho một bệnh nhi 13 tuổi bị rắn lục cắn. Tình trạng sức khỏe bệnh nhi này đang hồi phục tốt.
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khuyến cáo, người dân khi bị rắn cắn không nên tự tiện sử dụng các phương pháp chữa trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc, cần đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời.
Từ năm 2017, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã triển khai phương pháp điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn, nên bệnh nhân không cần chuyển tuyến trên để điều trị.
Nguồn: https://thanhnien.vn/benh-nhi-nguy-kich-sau-khi-dap-la-dieu-tri-ran-can-185241201105650104.htm