Quy định mới của Bộ GD-ĐT tại thông tư quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ GD-ĐT cho thấy có thay đổi tiêu chuẩn của người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thay thế cho Thông tư 11 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ 5.1.2025
Thông tư được áp dụng đối với các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ sư phạm, trường cán bộ quản lý giáo dục, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân được tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp thực hiện đề tài cấp bộ.
Hai yêu cầu mới của đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ
Theo đó, đề tài cấp bộ được thực hiện để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng tối thiểu 2 yêu cầu. Thứ nhất, có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hoặc các tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học trong nước; hoặc được xuất bản thành sách hoặc chương sách chuyên khảo, sách tham khảo.
Thứ hai, có kết quả đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc hỗ trợ đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc có kết quả là luận cứ khoa học, giải pháp để giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, hoặc có kết quả nghiên cứu là tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác.
Như vậy, so với Thông tư 11, Bộ đã đưa ra yêu cầu cụ thể hơn chứ không còn chung chung. Trong đó, hai nội dung vừa nêu trên là hoàn toàn mới so với quy định trước.
Được biết, mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm một chủ nhiệm, một thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính, thành viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.
Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng (chưa tính thời gian gia hạn thực hiện đề tài nếu có). Trường hợp đặc biệt, Bộ GD-ĐT quyết định thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng.
Chủ nhiệm đề tài phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu
Đặc biệt, chủ nhiệm đề tài cấp bộ cũng thay đổi về tiêu chuẩn. Nếu như Thông tư 11 quy định chủ nhiệm đề tài là giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ thạc sĩ trở lên khá chung chung, thì thông tư này yêu cầu rõ chủ nhiệm đề tài phải là giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu của tổ chức chủ trì. Tổ chức chủ trì là đơn vị được Bộ GD-ĐT giao quản lý, thực hiện đề tài cấp bộ.
Đồng thời có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài trong thời gian 3 năm gần nhất. Trong khi quy định cũ là “có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học trong hoặc ngoài nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với đề tài, hoặc là chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu thuộc lĩnh vực nghiên cứu trong thời hạn 5 năm gần đây”.
Các trường hợp không được phê duyệt làm chủ nhiệm gồm: Đang làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ hoặc các nhiệm vụ khoa học cấp bộ khác của Bộ GD-ĐT tính từ thời điểm tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài. Hoặc là chủ nhiệm đề tài cấp bộ hoặc các nhiệm vụ khoa học cấp bộ khác của Bộ GD-ĐT bị thanh lý (không đủ điều kiện để được nghiệm thu) trong thời hạn 2 năm tính từ thời điểm có kết luận của hội đồng thanh lý đề tài cấp bộ; hoặc đang trong thời gian bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thay-doi-tieu-chuan-chu-nhiem-de-tai-khoa-hoc-va-cong-nghe-cap-bo-185241201110725591.htm