Để khơi thông thị trường vốn, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách. Hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.
Ông Dominic Scriven: Cần chính sách thu hút thêm nguồn vốn gián tiếp vào M&A
Để khơi thông thị trường vốn, nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách. Hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.
Ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Công ty Dragon Capital Việt Nam trăn trở rất nhiều về câu chuyện tìm nguồn vốn cho hoạt động M&A.
Chủ tịch Công ty Dragon Capital nhìn nhận, trở ngại lớn nhất vẫn là chính sách. Hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp. Dù Bộ tài chính và Ủy ban Chứng khoán có nhiều nỗ lực để giải quyết các vấn đề thu hút vốn nước ngoài như Thông tư 68/2024/TT-BTC, nhưng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Thông tư này chưa phải là thông điệp có tác động đủ rõ ràng.
Ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Công ty Dragon Capital Việt Nam. |
Thị trường M&A vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư Việt Nam, “sân chơi” này vẫn chủ yếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia các vụ M&A sẽ tận dụng những thời cơ để phát triển tốt hơn, mạnh hơn.
Một rào cản khác của thị trường vốn và M&A đó là lòng tin giữa người bán và người mua, hiện lòng tin vào thị trường hơi yếu. Minh chứng là nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng 3,5 tỷ USD khỏi thị trường Việt Nam và lũy kế trong 3 năm rút đến 6 tỷ USD. Đây là kết quả của vấn đề lòng tin.
Mặt khác, theo ông Dominic Scriven nhìn nhận, các công ty quan tâm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chưa nhiều và cũng chưa nhiều doanh nghiệp ở nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thực hiện niêm yết nước ngoài.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa tận dụng thị trường vốn hiệu quả, “Chúng ta vẫn nghe nói rằng doanh nghiệp thiếu vốn, đói vốn – vậy sao không tìm vốn trên thị trường vốn? Thực sự, tôi cũng không biết câu trả lời. Tôi cũng đặt câu hỏi, nếu các công ty Việt Nam tìm đối tác chiến lược, vậy sao không tham gia thị trường vốn nhỉ?”, ông Dominic đặt câu hỏi.
Chúng ta đều biết, lần cuối cùng thị trường Việt Nam có những thương vụ IPO đình đám là 2018 – đã 6 năm trước. Tôi cho rằng, có những điều kiện cần thiết để thị trường vốn trở nên hấp dẫn với cả bên mua – bán, nhưng có lẽ vì lí do nào đó mà khiến thị trường này chưa sôi động được như kì vọng.
Chủ tịch Dragon Capital nhận thấy cấu trúc của thị trường vốn của Việt Nam vẫn khá cũ. Lĩnh vực lớn nhất là ngân hàng, thứ hai là bất động sản, tiếp là tiêu dùng, năng lượng… và mới đây nhất là giáo dục, viễn thông, trong khi nhóm công nghệ và thương mại điện tử ít được chú ý.
“Vướng mắc cho việc phát triển các lĩnh vực ở Việt Nam theo tôi đó là Việt Nam có quy định muốn niêm yết doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Đây là quy định tốt để bảo vệ nhà đầu tư nhưng khó cho các doanh nhân khởi nghiệp khi họ muốn phát triển ý tưởng mới”, ông Dominic Scriven nói.
Việt Nam nói nhiều đến khởi nghiệp 4.0, nhưng chúng ta cần phải nhớ lĩnh vực mới phải có rủi ro và sẽ có những khoản lỗ… Câu chuyện này cũng đang là nút thắt lớn trên thị trường cổ phiếu hiện nay tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các định chế lớn như các công ty bảo hiểm nhân thọ có nguồn vốn rất lớn nhưng họ không được phép đầu tư nhiều vào các lĩnh vực khác ngoài Trái phiếu Chính phủ. Tương tự cơ quan bảo hiểm xã hội cũng không có nhiều công cụ đầu tư ngoài Trái phiếu Chính phủ (có giai đoạn lãi suất 5 năm là 1,8%, trong khi các công ty trả lãi suất vay 8-10%).
Để khơi thông thị trường, ông Dominic nhấn mạnh nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là chính sách, bởi hiện vẫn chưa có nhiều chính sách tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư gián tiếp.
Nguồn: https://baodautu.vn/ong-dominic-scriven-can-chinh-sach-thu-hut-them-nguon-von-gian-tiep-vao-ma-d231163.html