Khoảng năm 1933, vùng đất sình lầy bên bờ sông đào An Cựu này là một nguyện đường nhỏ, xung quanh là khu ở của các gia đình Công giáo. Do nhu cầu tăng cao, nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế được hoàn thành năm 1962, do KTS Nguyễn Mỹ Lộc (cộng sự tài hoa cùng thời với KTS Ngô Viết Thụ) thiết kế.
Công trình có mặt bằng hình cây thánh giá, đối xứng qua trục giữa, xây bằng bê tông và đá xanh, theo phong cách kiến trúc Gothic (thể hiện qua cửa sổ lớn, vòm nhọn, kính màu…). Ngôi thánh đường có sức chứa khoảng 1.000 người, không có hàng cột giữa, khiến không gian trở nên thoáng, rộng hơn. Trên tường trong thánh đường có các bức tranh đắp nổi về cuộc đời Chúa Giê su. Theo lời kể của cha Giuse Lê Viết Phục: “Chiếc thánh giá trước tiền đường nhà thờ được làm bằng thép từ xác máy bay (sáng kiến và công sức của tu sĩ Henry Bùi Văn Khắc)…”.
Hai bên hông nhà thờ là hệ thống cửa kính màu lớn, dày đặc. Ánh nắng qua lớp kính màu rọi vào thánh đường trở nên lung linh, huyền ảo. Hệ thống ô thông gió bao quanh công trình không chỉ giúp đối lưu không khí tốt hơn mà còn làm bớt sự nặng nề của công trình.
Tuy vậy, nhà thờ vẫn có nhiều chi tiết mang nét VN. Cụ thể, tháp chuông cao 53 m (phía trên có một chóp nhọn đỡ thánh giá), hình bát giác, ba tầng với lớp mái giật cấp nhỏ dần lên như kiểu tháp ở chùa VN. Cạnh đó, hình ảnh mái đình, chùa VN được phảng phất qua mái lợp ngói đất nung, mái đắp vữa giả ngói âm dương, cuốn góc giả trên các bậc nhảy, hệ thống mái tầng lớp theo kiểu mái chồng mái…
Nguồn: https://thanhnien.vn/goc-ky-hoa-nha-tho-co-thanh-gia-lam-tu-xac-may-bay-185241130204930739.htm