Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII-năm 2024 đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đưa thương hiệu giải thưởng lên tầm cao mới.

Bước đột phá của giải thưởng

Bước vào mùa giải thứ bảy, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Điều lệ và Quy chế mới với nhiều thay đổi, đó là: Mở rộng thành phần cơ quan chỉ đạo, cơ quan phối hợp tổ chức giải thưởng với sự tham gia trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chỉ đạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan phối hợp chỉ đạo; mở rộng đối tượng đề cử sách dự giải; bổ sung hạng mục Giải Sách được bạn đọc yêu thích; công bố các cuốn sách đề cử đoạt giải; tổ chức những hoạt động tri ân các tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản và các hoạt động truyền thông quảng bá, lan tỏa sách sau khi đoạt giải.

Theo PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: “Đây là những đổi mới mang tính đột phá để tiếp tục nâng cao chất lượng, đưa Giải thưởng Sách Quốc gia xứng tầm với vị thế là một giải thưởng cấp quốc gia, đồng thời tạo sự lan tỏa mạnh mẽ cũng như đưa giải thưởng đến gần hơn với bạn đọc”.

Thương hiệu Giải thưởng Sách Quốc gia lên tầm cao mới
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan trưng bày sách trong khuôn khổ Lễ trao Giải Sách Quốc gia lần thứ VII – năm 2024. 

Việc mở rộng cho bạn đọc và các cơ quan báo chí, truyền thông đề cử sách tạo thêm sức hút, thêm cơ hội để nhiều loại sách tham gia giải. Thêm vào đó, khi chấm giải, số điểm sẽ tăng lên nếu cuốn sách có tính lan tỏa cao, cụ thể là được các cơ quan báo chí giới thiệu. Điều này thúc đẩy việc truyền thông các cuốn sách giá trị, khắc phục tình trạng sách hay không được bạn đọc biết đến. Ngoài ra, việc có thêm hạng mục Giải Sách được bạn đọc yêu thích do chính bạn đọc đề cử, bình chọn là phù hợp với xu thế. Sách là loại hàng hóa đặc biệt, việc đáp ứng thị hiếu đa dạng và ngày càng khắt khe của độc giả buộc các đơn vị làm sách phải luôn năng động, đổi mới.

Chính nhờ sự đổi mới này mà năm 2024 có 51/57 nhà xuất bản có sách tham dự giải thưởng (nhiều hơn 10 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI). Số sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII là 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách (nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI).

Ban tổ chức đã mời 81 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia chấm giải. Công tác chấm Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII đã được thực hiện khoa học, chặt chẽ, theo đúng Điều lệ và Quy chế giải thưởng.

Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII cũng đổi mới, gồm hai phần: Lễ tri ân và lễ trao giải chính thức. Trong đó, đáng chú ý là lễ tri ân, nhằm ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, đóng góp to lớn của các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, người làm sách, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ giải thưởng và các nhà báo trong việc sáng tạo ra những tác phẩm hay, những cuốn sách có giá trị; không ngừng quảng bá, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Đánh giá cao đổi mới của Giải thưởng Sách Quốc gia, song đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu khuyến khích, thu hút sự tham gia của các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành, với những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của bạn đọc và các tầng lớp nhân dân.

Cơ cấu giải thưởng cần tiếp tục mở rộng các hạng mục như: Sách điện tử; sách nói; sách cẩm nang… Nghiên cứu bổ sung các hình thức giải thưởng cho các tác phẩm của tác giả trẻ, sách có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng hoặc sách đổi mới. Việc mở rộng cơ cấu, hạng mục giải thưởng sẽ khuyến khích các thể loại sách tham gia giải ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều tác phẩm có giá trị được công nhận, lan tỏa.

Thương hiệu Giải thưởng Sách Quốc gia lên tầm cao mới
Lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và thân nhân tác giả – cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhận giải C Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII – năm 2024. 

Cốt lõi vẫn là chất lượng nội dung

Giải thưởng Sách Quốc gia có đổi mới đến đâu thì cuối cùng đọng lại vẫn là giá trị cuốn sách được vinh danh liệu có thật xứng đáng hay không. Dư luận khi nhìn vào 58 tên sách, bộ sách đoạt giải năm nay đều đánh giá là bảo đảm chất lượng nội dung và hình thức.

Hầu hết các cuốn sách đoạt giải đều có những đóng góp về nội dung theo hướng mới mẻ, chuyên sâu, thể hiện sự đầu tư của các tác giả, các đơn vị làm sách. Đơn cử như bộ sách 2 tập “Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư-năm nay đã 104 tuổi. Dựa trên nguồn tư liệu khoa học đáng tin cậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hệ thống hóa các sự kiện lịch sử và hoạt động trong các lĩnh vực như hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tín ngưỡng trong hơn 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất. Bộ sách gần 1.700 trang này là tâm huyết của cụ Nguyễn Đình Tư suốt 20 năm qua. Để hoàn thành công trình này, cụ đã dành nhiều thời gian sưu tầm tài liệu từ các nguồn bảo đảm chính xác, trong đó, nhiều tư liệu tiếng Pháp được biên dịch giúp cuốn sách thêm giá trị.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều tên sách, bộ sách được các đơn vị làm sách đặt nhiều kỳ vọng nhưng cuối cùng lại không đoạt giải. Dù hình thức cuốn sách rất bắt mắt, kỳ công trong thực hiện song nội dung không có gì mới, chỉ đơn giản là biên soạn những nội dung đã có sẵn, không đào sâu nghiên cứu, mở rộng nội dung, do vậy thiếu tính thuyết phục.

Thương hiệu Giải thưởng Sách Quốc gia lên tầm cao mới
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII – năm 2024. 

Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, cho biết: “Năm nay, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tự hào có tác phẩm “Người thầy” của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là cuốn sách duy nhất đoạt giải ở hai hạng mục (Giải C và Giải Sách được bạn đọc yêu thích). Cuốn sách trình bày hấp dẫn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo lỗi lạc Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Trần Đức (Ba Quốc), ca ngợi đóng góp to lớn của ngành tình báo quốc phòng; song điều đọng lại ở cuốn sách là tình thầy trò cao đẹp, giàu tính nhân văn, có tính giáo dục sâu sắc”. Theo lý giải của Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường: “Chính nội dung giá trị cùng với việc đẩy mạnh truyền thông đã giúp cuốn sách bán chạy, có sức lan tỏa sâu rộng. Từ thành công của cuốn sách, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đúc kết được kinh nghiệm quý là phải nghiên cứu thị hiếu độc giả, đầu tư chuyên sâu về nội dung, lựa chọn hình thức và cách diễn đạt hấp dẫn”.

Việc đổi mới giải thưởng, cùng với đó là vinh danh những tác phẩm xứng đáng thể hiện vai trò của Giải thưởng Sách Quốc gia là nơi để các tác giả thể hiện năng lực bản thân, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy mới, tầm nhìn mới, góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp giá trị thụ hưởng văn hóa của người dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG

qdnd.vn

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/thuong-hieu-giai-thuong-sach-quoc-gia-len-tam-cao-moi-805236