ĐI TÌM NGUYÊN MẪU
Gần 10 năm trước, tại TT.A Lưới (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), hàng ngàn người dân đã tập trung vui hội Ariêu car dưới sự điều hành của hội đồng già làng các dân tộc Pa Kôh, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… Vào tháng 10 vừa qua, người Pa Kôh đã tái hiện lễ hội Ariêu car với quy mô nhỏ hơn tại làng văn hóa truyền thống các dân tộc H.A Lưới. “Những lễ hội này đã được sân khấu hóa và chỉ chọn những nghi thức đặc sắc để trình diễn. Ai có cơ hội sống trong không khí lễ hội Ariêu car của đồng bào Pa Kôh như chúng tôi cũng có thể coi là có may mắn. Bởi nguyên mẫu, lễ hội này chỉ được tổ chức 10 năm/lần, xa hơn thậm chí đến 30 năm/lần…”, già làng Hồ Văn Hạnh, người được mệnh danh là “cuốn từ điển sống ở Trường Sơn”, mở đầu câu chuyện.
Tôi có dịp trải nghiệm lễ hội Ariêu car ngay tại mảnh đất mà già Hạnh sinh ra, lớn lên tại thôn Ân Triêng (xã Trung Sơn) vào tháng 8.2023. Mục sở thị các nghi thức mới thấy lễ hội gần như phô bày hết những gì tinh túy trong gia tài văn hóa phi vật thể của người Pa Kôh, từ âm nhạc, chuyện cổ, nói lý hát lý đến nghệ thuật điêu khắc nhà mồ, trang phục truyền thống, ẩm thực… Theo lời già Hạnh, Ariêu car vốn là lễ hội cải táng của người dân tộc Pa Kôh với tổng cộng hơn 20 nghi thức. Từ xa xưa, ông bà cũng chia thành 2 phần, gồm: phần hội với sự chung vui của các bản làng bạn và phần lễ với những nghi thức cúng tế do các dòng họ thực hiện. Trước, trong và cho đến khi kết thúc lễ hội, làng đứng ra tổ chức Ariêu car phải lo đủ thức ăn, đồ uống cho khách đến cả trăm người trong vòng 3 ngày.
“Trước khi lễ hội bắt đầu, già làng cùng các trưởng họ phải thực hiện lễ gồm nghi lễ tâng hung để thống nhất cách thức tổ chức, công tác chuẩn bị, khách mời… Tiếp đó là lễ axa arah để tẩy uế, dơ bẩn ra khỏi làng bản… Khi vào chính lễ, Ariêu car có các nghi lễ nổi bật, như: pađoh â đoong (khai hội); veel moot (đón khách); pa dưn veel (vũ điệu chào mừng lễ hội); chật ti rỉ (lễ hội đâm trâu); tực arieu car (cúng Ariêu car); moot câr hoot, coat pâr nai (gửi gắm, định ước); pachoo tâm mooi (tiễn khách); zi zar (báo hiệu lễ hội kết thúc)”, già Hạnh nói và cho biết: “Lễ hội Arieu car diễn ra vào tháng 8.2023 chính là lễ hội nguyên mẫu với những nghi thức tâm linh hướng về người đã khuất. Đây là điều mà các lễ Ariêu car tái hiện đã lược bỏ”.
ĐẠI LỄ CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT
Ở phần lễ chỉ nội bộ trong làng thực hiện, tôi được chứng kiến cảnh người dân sau khi thực hiện lễ cải táng xong, họ mang những chiếc tiểu (ta’r nau) chứa hài cốt của người thân về đặt trên những chiếc sạp tre được làm sẵn, bên trên có mái che. Tiểu được đặt theo hàng dọc và trình tự theo từng dòng tộc. Nếu chưa đủ thời gian cất bốc trên 10 năm, người ta thường bốc 1 nắm đất hoặc bắt 1 con châu chấu cho vào tiểu mang về cúng bái. Sau các nghi thức đã nêu trên, người dân sẽ mang tiểu đến đặt ở các nhà mồ với thiết kế, trang trí đậm chất vùng cao. Già làng Hồ Văn Rái (80 tuổi, thôn A Điêng Pâr Leng 1, xã Trung Sơn) cho hay phần lễ cũng có những điểm thú vị, chẳng hạn phải xin keo để hỏi ý kiến người đã khuất có thể nằm chung nhà mồ hay không, nếu không thì phải làm nhà mồ khác…
Nhiều già làng người Pa Kôh kể, để thực hiện lễ hội Ariêu car, ngành chức năng H.A Lưới đã tham khảo và hỏi ý kiến của nhiều người uy tín trong cộng đồng. Ban đầu, vì sợ đụng đến mồ mả, đến nghi thức tâm linh truyền đời, nhiều già làng đã gạt phắt. Tuy nhiên qua trao đổi, nhận thấy lễ hội chỉ được tái hiện với những “trích đoạn” mang màu sắc trình diễn, văn nghệ nên các già làng đã đồng ý. “Hơn nữa, Ariêu car được tổ chức với sự tham gia của tất cả dân tộc anh em nên ý nghĩa càng lớn lao. Hồi đầu bố cũng ưng bụng, nhưng nghe tập hợp được các dân tộc thì tốt quá, vừa đoàn kết vừa quảng bá nét văn hóa đặc sắc nơi vùng cao này”, già Hồ Văn Hạnh nói.
Thông qua việc tổ chức lễ hội Ariêu car, nghệ thuật nhà mồ của đồng bào vùng cao A Lưới được hồi sinh
Mới đây, khi tham gia tái hiện lễ hội Ariêu car, già làng Lê Tuấn Mõ (70 tuổi, trú xã Hồng Thượng) đã phấn khởi vì du khách kéo đến làng văn hóa các dân tộc thiểu số H.A Lưới xem rất đông. Hòa mình vào những điệu nhảy múa truyền thống của đồng bào mình cùng với những nghệ nhân, thanh niên, già Mõ vui vì lớp trẻ ngày càng ý thức chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhất là việc tái hiện lễ hội Ariêu car hứa hẹn cho người dân cái ăn, cái mặc khi nó trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, lý giải thêm lễ hội Ariêu car từ ngày xưa có giá trị trong việc kết nối, tạo sự đoàn kết của các bộ tộc, bởi nhân lễ hội này có những làng đã hóa giải được mâu thuẫn, có những làng kết nghĩa thắm thiết hơn. Khi tái hiện Ariêu car, Phòng VH-TT huyện đã chủ động lược bỏ phần nghi lễ mồ mả, nhất là nghi thức đâm trâu gây phản cảm. Theo bà Thêm, ngày nay, mặc dù phục dựng nhưng lễ hội Ariêu car được tổ chức quy mô cấp huyện với chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao thực sự đã trở thành ngày hội đại đoàn kết của các dân tộc thiểu số. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-le-hoi-doc-dao-tuc-cai-tang-thanh-dai-le-o-truong-son-185241130195955655.htm