Kinhtedothi – Sáng 29/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trước đó, ngày 1/11/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh để phòng cháy
Theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được Quốc hội thông qua, đối tượng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy gồm cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; phương tiện giao thông (là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải để vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; trường hợp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách thì phải trên 8 chỗ – không kể chỗ của người lái xe); công trình xây dựng trong quá trình thi công.
Thẩm quyền kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được quy định như sau: Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; UBND cấp xã, cơ quan công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng cấp độ quy hoạch.
Khi lập, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế công trình, cải tạo, thay đổi công năng sử dụng công trình và xây dựng công trình tạm theo quy định của pháp luật về xây dựng phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình.
Đối với quy định phòng cháy đối với nhà ở, đối với nhà ở tại thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy thì phải trang bị bình chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định. UBND TP trực thuộc Trung ương xác định khu vực không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy.
Đối với phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các điều kiện an toàn về phòng cháy theo quy định, khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Có giải pháp ngăn cháy nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, trong đó quy định chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.
Trong chữa cháy, người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Công an nhân dân có các quyền sử dụng lực lượng, phương tiện của cơ quan công an thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy; huy động theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật; xác định, quyết định khu vực chữa cháy, các biện pháp chữa cháy, sử dụng địa hình, địa vật lân cận để chữa cháy; cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy; quyết định việc di chuyển, phá dỡ chướng ngại vật, tài sản để cứu nạn, cứu hộ, ngăn chặn nguy cơ cháy lan theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của cơ sở không thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Ngoài ra, Chính phủ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức trích nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-siet-quy-dinh-phong-chay-loai-hinh-nha-o-ket-hop-kinh-doanh.html