Khi xông hơi các mạch máu dưới da giãn rộng, tác động lên hệ thần kinh làm tăng nhanh quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, làm giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết xông hơi có 2 hình thức chính là xông hơi ướt (steambath) và xông hơi khô (sauna). Mỗi loại phòng xông hơi sẽ mang lại những lợi ích khác nhau, nhưng nhìn chung đều tác động nhiệt lên cơ thể giúp làm nóng và kích thích cơ thể bài tiết mồ hôi, đồng thời loại bỏ các độc tố. Khi xông hơi các mạch máu dưới da giãn rộng, tác động lên hệ thần kinh làm tăng nhanh quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, làm giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng và giúp thư giãn tinh thần.
Xông hơi khô thường dùng đá, sỏi đun nóng để làm tăng nhiệt độ phòng (khoảng 60 độ C), giúp mồ hôi vã ra thật nhiều. Còn xông hơi ướt giúp bài tiết mồ hôi, hơi nước còn làm ẩm da, các độc tố thải qua các lỗ chân lông nhờ đó giúp da mịn màng, người đang bị cảm sẽ thấy nhẹ nhàng hơn sau khi xông.
“Sau một ngày làm việc mệt mỏi, lượng axit lactic ứ đọng trong các cơ, xông hơi ướt giúp giảm sự mệt mỏi, đau nhức tan biến. Xông hơi ướt cục bộ còn có thể tiến hành với những trường hợp bị viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, mụn trứng cá”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Lợi ích của xông hơi
Về mặt y học cổ truyền, xông hơi thuốc là một trong những phương pháp trị liệu của đông y. Khi xông hơi thường dùng các loại thuốc có tinh dầu giúp khu phong, tán hàn, hoạt huyết thông lạc, tiêu viêm, lưu thông khí huyết… tác động lên bộ phận bên ngoài cơ thể như: Da, niêm mạc, gân cơ để điều trị bệnh. Ngoài ra, xông hơi còn mang lại lợi ích đối với hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp.
Với hệ tim mạch: Khi xông hơi làm giãn các mạch máu dưới da giúp giảm sức cản ngoại vi, làm lượng máu đi từ tim tăng lên, tim tăng tần số co bóp.
Với hệ thần kinh: Làm tăng quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, làm giảm mệt mỏi căng thẳng, giúp cơ thể thư giãn, ngủ sâu giấc.
Với hệ hô hấp: Không khí nóng làm tăng cường cung cấp máu cho lớp niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện tái tạo lớp biểu mô và phát triển lưới mao mạch trong phổi. Dưới tác động của nhiệt, cơ của hệ hô hấp được thư giãn, các ống phế quản giãn rộng, hít thở trở nên dễ dàng. Ngoài ra tinh dầu của lá xông sát trùng đường hô hấp trên, giúp cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi..
Cần lưu ý gì khi xông hơi
Bác sĩ Vũ cho biết, xông hơi toàn thân được áp dụng với trường hợp mệt mỏi sau lao động, thời kỳ hồi phục sức khỏe sau bệnh; căng thẳng thần kinh, suy nhược thần kinh; cảm mạo; đau nhức mỏi toàn thân; viêm da dị ứng, mụn trứng cá, chàm; đau các dây thần kinh ngoại biên.
Xông hơi cục bộ được chỉ định với trường hợp đau cứng khớp mãn tính, đau lưng, đau cổ gáy do co cứng cơ, đau dây thần kinh, tê bì, giảm dinh dưỡng vùng chi, chấn thương lâu ngày gây co cứng gân cơ…
Xông hơi chống chỉ định với các trường hợp viêm nhiễm cấp tính ở cơ quan hô hấp, tiêu hóa, bài tiết; đang sốt cao, xuất huyết hoặc đe dọa xuất huyết; quá suy kiệt; đang có bệnh cấp tính…
Xông hơi mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt khi kết hợp thêm tinh dầu hoặc các loại thảo dược cũng rất tốt cho sức khỏe. Xông hơi ngày nay rất phổ biến, tuy nhiên cần hiểu đúng cách sử dụng để có được sự hiệu quả và an toàn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xong-hoi-tot-cho-suc-khoe-nhung-can-luu-y-gi-185241127162952771.htm