(NLĐO) – Những hình ảnh được hệ thống vệ tinh do thám KH-9 (Hexagon) của Mỹ chụp từ năm 1973 đã đem lại một phát hiện khảo cổ ngoạn mục.
Theo nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Antiquity, những bức ảnh mà vệ tinh do thám của Mỹ chụp năm 1973 đã cho thấy tàn tích ẩn giấu của một khu định cư 1.400 tuổi thuộc địa phận Iran ngày nay.
Đối chiếu với các tư liệu cũ, một mảnh ghép cực kỳ quan trọng về lịch sử Trung Đông đã được tìm thấy.
Theo Live Science, nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà khảo cổ William Deadman từ Đại học Durham (Anh) đã giải mật dữ liệu của hệ thống vệ tinh này để nghiên cứu di tích Tuyến đường hành hương Hajj: Darb Zubaydah.
Đó là một trong 7 tuyến đường hành hương quan trọng trên bán đảo Ả Rập cổ đại. Việc nghiên cứu diễn ra sau khi Ả Rập Saudi và Iraq đồng đề cử di tích này vào danh sách xem xét công nhận Di sản Thế giới của UNESCO.
Thị trấn ma nói trên đã được phát hiện một cách tình cờ khi khảo sát. Và điều bất ngờ nhất là các chi tiết cho thấy nó chính là chiến trường đã mất của trận al-Qadisiyyah quan trọng trong lịch sử khu vực.
Trận al-Qadisiyyah diễn ra vào năm 636 hoặc 637 sau Công nguyên giữa quân đội Hồi giáo Ả Rập và Đế chế Sasanid, là đế chế cai trị khu vực hiện là Iran từ năm 224-651 sau Công nguyên.
Trận chiến này đã đem đến chiến thắng quan trọng cho quân đội Hồi giáo và là khởi đầu cho cuộc chinh phục Ba Tư của người Hồi giáo.
Một cuộc khảo sát trên thực địa đã xác nhận phát hiện này. Các nhà khảo cổ đã xác định được bức tường dài gần 10 km và hào nước ở phía Bắc thị trấn ma, đúng như những gì được đề cập trong các văn bản lịch sử.
“Phát hiện này cung cấp vị trí địa lý và bối cảnh cho một trận chiến là nền tảng cho sư lan rộng của đạo Hồi sang Iraq, Iran ngày nay và nhiều nơi khác” – TS Deadman cho biết.
Nguồn: https://nld.com.vn/giai-mat-ve-tinh-do-tham-thi-tran-ma-1400-tuoi-hien-hinh-196241116101110474.htm