(CLO) Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề “Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử” sẽ góp thêm góc nhìn mới về vua Hàm Nghi và biến cố thất thủ Kinh đô Huế (năm 1885).
Bảo tàng TP.HCM vừa phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trưng bày chuyên đề Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 65 năm kết nghĩa giữa Hà Nội, Huế và TP.HCM (8/10/1960 – 8/10/2025).
Hoạt động trưng bày chuyên đề lần này tập trung vào chủ đề Từ Thuận Hóa – Phú Xuân đến Cố đô Huế – nơi hội tụ và kết tinh di sản văn hóa dân tộc và chủ đề Từ Nam Bộ xưa (thế kỷ XVII-XIX) đến Sài Gòn nay.
Trưng bày chuyên đề Phú Xuân – Gia Định, những dấu ấn lịch sử mang đến cho công chúng, du khách cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của Phú Xuân – Huế (từ năm 1558), lịch sử thành lập thành Gia Định – Sài Gòn và quá trình khai phá lãnh thổ về phương Nam của ông cha ta (từ năm 1698).
Bên cạnh đó, chuyên đề cũng giới thiệu những thành tựu đã đạt được về kinh tế, văn hóa và những khó khăn thử thách của việc xác lập chủ quyền nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến.
Những dấu ấn văn hóa đậm nét trong sinh hoạt, phong tục tập quán… sự giao thoa, hòa quyện giữa văn hoá cung đình và văn hóa dân gian để hình thành nên đặc trưng văn hóa vùng miền của cư dân Nam Bộ xưa.
Trong chuyên đề lần này, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế còn công bố, giới thiệu bộ sưu tầm hiện vật Phong Sơn có niên đại từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Theo nhận định của một số chuyên gia, đây là một số hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo trong cuộc bôn tẩu ra Tân Sở, Quảng Trị, sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế (năm 1885).
Dịp này, Bảo tàng TPHCM giới thiệu nhiều hiện vật rất có giá trị như ấn Lương Tài Tử, ấn Khâm sứ đại thần quan phòng, ấn An Lập Châu, ấn ký Xà Cầu (kiều) tổng chánh tổng ký, tờ sai, bản đồ quý… có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.
Qua đó, quảng bá và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời tôn vinh những đóng góp thầm lặng của các nghệ nhân dân gian với các nghề thủ công truyền thống.
Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13, lấy niên hiệu Hàm Nghi.
Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra vùng núi Tân Sở (nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.
Vua Hàm Nghi bị bắt ngày 30/10/1888, rồi bị đày sang Algeria (châu Phi). Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Alger khoảng 12km cùng vợ con cho đến khi mất do ung thư dạ dày.
Nguồn: https://www.congluan.vn/vua-ham-nghi-mang-theo-nhung-gi-sau-bien-co-that-thu-kinh-do-hue-post323631.html