ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
Đó là vườn tiêu của ông Lê Đình Hùng ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Vườn tiêu này có tổng diện tích 3ha, đã 3 năm liên tục đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Vietnam (Cơ quan đánh giá và chứng nhận chất lượng Hà Lan tại Việt Nam) đánh giá, thẩm định.
Vườn tiêu của ông Hùng đến nay đã được 8 năm tuổi, ban đầu ông trồng 3.000 trụ và canh tác kiểu “ai sao mình vậy”, tức theo lối truyền thống. Nhưng chỉ sau 3 năm gắn bó với vùng đất này, ông bắt đầu thay đổi tư duy.
Ông kể: “Vợ chồng tôi vốn là công chức ở TP.HCM lên đây với mục đích tìm một vùng quê yên tĩnh để thay đổi cuộc sống, nói như tụi trẻ bây giờ là tìm nơi “chữa lành”. Lên đây một thời gian thì thấy hợp, nên gắn bó luôn đến giờ.
Riêng về làm nông, ban đầu tôi cũng chẳng có kiến thức gì, đó là lý do tôi làm theo mọi nguời. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, trong quá trình tìm hiểu sâu hơn về canh tác, tôi dần nhận ra canh tác hữu cơ là con đường tốt nhất. Đến nay, vườn tiêu đã có năm thứ 3 đạt chuẩn hữu cơ”.
Trên thực tế, trước khi có chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ 3 năm, vườn tiêu này đã canh tác theo quy trình hữu cơ.
Ông Hùng cho biết, vườn tiêu được bảo vệ bởi một vành đai là vạt cây trái xung quanh và được canh tác theo quy trình tuần hoàn. Cụ thể đó là một vành đai rộng 15m, trồng một số loại cây ăn trái như bơ, đu đủ, mít. Vành đai này nhằm ngăn nhiễm chéo các chất như phân bón, thuốc BVTV hoá học từ các vườn bên cạnh không canh tác hữu cơ.
Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, ông Hùng dùng chế phẩm sinh học IMO (Indigenous Microorganism) do ông tự làm từ những phụ phẩm có sẵn trong vườn như chuối, bơ, mít. Các chất trung, vi lượng được chiết xuất từ cá (đạm) trái chuối, bơ (kali). “Đặc biệt, lá lốt mình vẫn hay ăn hàng ngày lại là loại lá cho hàm lượng lân rất cao, bình quân 1kg lá lốt tươi cho ra khoảng 100gram lân, rất cần thiết cho giai đoạn cây làm bông, làm trái”, ông Hùng tiết lộ.
Để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, ông Hùng chế biến hỗn hợp gồm một số loại thảo dược có sẵn trong vườn như tỏi, ớt, gừng, riềng… Tất cả những nguyên liệu này đều được trồng trong vườn và ngâm ủ với chế phẩm IMO để tạo ra một hợp chất có tính cay, đắng, chát để phun xịt.
“Chủ yếu là phun xua đuổi và diệt một phần sinh vật gây hại chứ không hết được, quan điểm của tôi là phải sống chung với sâu bệnh chứ cũng không nhất thiết phải diệt sạch vì trong vườn còn nhiều loài côn trùng có ích sẽ tiêu diệt sâu bệnh hại. Nếu mình diệt hết sinh vật gây hại thì vô tình lấy hết nguồn thức ăn của côn trùng có ích, có thể gây mất cân bằng hệ sinh thái côn trùng. Giống như các loại cỏ, dại, cây tạp, nó có thể “ăn” mất một phần dinh dưỡng dưới đất, nhưng lại có công dụng giữ ẩm, giữ nước, hạn chế rửa trôi, nhất là ở những địa hình dốc và tạo bóng mát cho côn trùng sống dưới đất như giun, dế, kiến… Nếu không có lớp cỏ dại này, đất sẽ rất khô, kể cả tưới thường xuyên, bên cạnh đó cũng không giữ được những loài côn trùng sống dưới đất như khi có lớp cỏ tự nhiên”, ông Hùng phân tích.
Dẫn tôi ra vườn tiêu, ông Hùng vạch những đám cỏ, chỉ cho tôi thấy những đám mùn (phân giun đất) đùn lên chi chít trên mặt đất, nói: “Nếu dùng hoá chất thì làm sao côn trùng sống được. Canh tác hữu cơ đất càng ngày càng màu mỡ. Lúc canh tác truyền thống, từ 3.000 trụ, tiêu cứ chết rải rác dần, đến khi chuyển sang canh tác hữu cơ, thêm một số trụ nữa chết. Hiện nay vườn chỉ còn khoảng hơn 2.000 trụ và không chết thêm trụ nào nữa, năng suất cũng thuộc loại khá. Như vụ này, sản lượng đạt 8 tấn, tức mỗi trụ đạt từ 4 – 5kg”.
Ông Hùng cho biết từ mấy năm nay, vườn tiêu của ông và một số vườn tiêu khác đã liên kết với HTX Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) để sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hàng năm, HTX Hoàng Nguyên sẽ bỏ chi phí thuê Tổ chức Control Union Vietnam đến tận nơi lấy mẫu kiểm định chất lượng.
“Năm nay họ vừa đến đánh giá xong và cũng đã có kết quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ như mấy năm trước. Thực ra thì ngay từ lúc họ chưa đến lấy mẫu, tôi vẫn tự tin sẽ đạt tiêu chuẩn vì thực tế quy trình canh tác vẫn như mọi năm và môi trường hay tác động khách quan không có gì thay đổi”, ông Hùng nói và cho biết thêm, nếu các tiêu chí đều đạt, HTX Hoàng Nguyên sẽ thu mua toàn bộ hồ tiêu với giá cao hơn thị trường 25%. Trong khi đó, chi phí đầu vào đối với canh tác theo quy trình hữu cơ thấp hơn hóa học, bình quân mỗi ha có thể tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng ngược lại, làm hữu cơ tốn nhiều công hơn, cần tỉ mỉ hơn.
Sau nhiều năm canh tác hữu cơ, ông Hùng nhận thức rõ lợi ích mà nó mang lại, trong đó, nhiều giá trị quan trọng hơn lợi nhuận.
“Lợi nhuận cao hơn thì đương nhiên là mừng hơn. Nhưng với tôi, lợi nhuận chỉ là phụ, thứ quan trọng nhất khiến tôi luôn làm chuẩn chỉ là vì bản thân và gia đình.
Từ khi chưa liên kết với HTX Hoang Nguyên, tôi đã sớm nhận ra tác hại của chất hoá học và chuyển hướng ngay, không đụng đến phân bón, thuốc trừ sâu hoá học độc hại nữa dù sản phẩm vẫn bán ra thị trường với giá chỉ bằng giá các mô hình canh tác truyền thống. Nếu đặt lợi nhuận lên đầu thì tôi đã không làm thế. Cho nên vườn tiêu này là nơi đầu tiên HTX Hoàng Nguyên tìm đến đặt vấn đề liên kết, tôi cũng chẳng khó khăn gì để làm theo quy trình họ yêu cầu. Vườn này đã nhiều năm nay đạt chuẩn hữu cơ rồi”, ông Hùng khẳng định.
“Đắk Song là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất của tỉnh với diện tích trên 15.000ha. Những năm qua, người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng, các hợp tác xã sản xuất tiêu hữu cơ. Sản phẩm tiêu của địa phương ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường”, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song cho biết.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/vuon-tieu-nhieu-nam-dat-chuan-huu-co-gia-ban-cao-hon-thi-truong-25-d411057.html