(Dân trí) – Quân đội Nga đang phải đối mặt với các đơn vị tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Ukraine do các huấn luyện viên phương Tây đào tạo.
“Đối phương đã đưa đến đây những đơn vị tinh nhuệ nhất, được trải qua khóa huấn luyện chất lượng cao nhất”, chỉ huy tiểu đoàn của Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 của Nga, biệt danh “Yak”, nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti.
“Nếu một người Ukraine được huy động bình thường được đào tạo trong khoảng một tháng, những đơn vị này đã được đào tạo ở phương Tây trong 3 tháng. Hơn nữa, những người cố vấn của họ là những chuyên gia cấp cao, không phải là những huấn luyện viên ngẫu nhiên”, sĩ quan Nga cho biết thêm.
Theo chỉ huy tiểu đoàn Nga, trong số các đơn vị tham gia chiến đấu, Trung đoàn 3 thuộc Lực lượng tác chiến đặc nhiệm (SOF) của Ukraine chiếm một vị trí đặc biệt, với các chiến binh có khả năng huấn luyện độc lập cho những binh lính khác. Sĩ quan Nga cho biết, các đơn vị tinh nhuệ này thể hiện trình độ huấn luyện cao, khiến họ trở thành đối thủ đáng gờm.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, thủy quân lục chiến Nga đã nhiều lần chạm trán với các đội hình tương tự của Ukraine và đẩy lùi thành công các cuộc tấn công.
“Chắc chắn không nên đánh giá thấp họ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đối phó với họ”, chỉ huy tiểu đoàn Nga nhấn mạnh.
Ukraine đã phát động cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga từ đầu tháng 8. Chiến dịch Kursk là cuộc tấn công trên bộ đầu tiên của một lực lượng quân sự nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II và khiến Moscow bất ngờ.
Báo Wall Street Journal ngày 25/11 đưa tin các cuộc giao tranh ở Kursk đã đạt đến cường độ chưa từng thấy ở hầu hết các khu vực trên tiền tuyến. Báo Mỹ cho biết, trong những tuần gần đây, lực lượng Moscow đã giành lại gần một nửa vùng lãnh thổ mà Nga đã mất vào tay quân đội Ukraine ở Kursk.
Các cuộc giao tranh càng trở nên khốc liệt hơn khi Ukraine được “bật đèn xanh” phóng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất vào Kursk nhằm đối đầu với lực lượng Nga.
Trang tin quân sự Avia Pro ngày 29/11 đưa tin, trong một ngày, các công binh của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga đã phát hiện và vô hiệu hóa 300 quả đạn con M74, một phần của tên lửa ATACMS được lực lượng Ukraine sử dụng ở Kursk. Theo Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, kể từ đầu tháng 8, các chuyên gia đã phá hủy hơn 1.480 vật thể nổ trong khu vực Kursk, bao gồm đầu đạn máy bay không người lái, mìn và các loại vũ khí khác.
Trong tuần qua, lực lượng công binh đã xử lý 11 yêu cầu rà phá bom mìn. Trong số các vật thể bị phá hủy có các đầu đạn còn sót lại sau các cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây của lực lượng vũ trang Ukraine.
Vào ngày 23/11, quân đội Ukraine đã phóng 5 tên lửa ATACMS vào khu vực Lotaryovka, nơi có một sư đoàn tên lửa phòng không S-400 của Nga. Phòng không Nga đã bắn hạ 3 tên lửa, nhưng 2 tên lửa đã bay đến mục tiêu, gây thiệt hại cho cơ sở này.
Một cuộc tấn công khác xảy ra vào ngày 25/11, khi lực lượng Ukraine bắn 8 tên lửa ATACMS vào sân bay Kursk-Vostochny. 7 tên lửa đã bị hệ thống phòng không Nga phá hủy, nhưng một tên lửa vẫn bắn trúng mục tiêu.
Những sự kiện này cho thấy cường độ sử dụng vũ khí chính xác ngày càng tăng của Ukraine, làm tăng gánh nặng cho hệ thống phòng không Nga.
Các chuyên gia cho biết việc sử dụng tên lửa ATACMS với đầu đạn con đã làm phức tạp đáng kể công việc của lính công binh, vì loại đạn này có bán kính phá hủy và phân tán rộng. Ngoài ra, việc sử dụng hàng loạt vũ khí này tạo ra thêm rủi ro cho người dân và cơ sở hạ tầng của khu vực bị tấn công.
ATACMS là tên lửa đất đối đất chiến thuật của Mỹ được thiết kế để tấn công có độ chính xác cao ở tầm bắn lên tới 300km. ATACMS được Lockheed Martin phát triển và được phóng từ các bệ phóng di động HIMARS và M270.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và GPS, đảm bảo phá hủy chính xác các mục tiêu, bao gồm các sở chỉ huy, kho đạn, hệ thống phòng không và thiết bị.
Đầu đạn tên lửa có thể là đầu đạn chùm và đầu đạn phân mảnh nổ mạnh, giúp ATACMS được sử dụng phổ biến trong nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Tên lửa này đã được sử dụng tích cực trong các hoạt động quân sự của Mỹ và được cung cấp cho các đồng minh của Washington, bao gồm các nước NATO, giúp tăng cường khả năng chiến thuật.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/ukraine-dua-quan-tinh-nhue-qua-bien-gioi-doi-ten-lua-tap-kich-lanh-tho-nga-20241129165041924.htm