Trong hơn 20 năm làm báo, những cuộc phỏng vấn với các nhân vật “siêu cao tuổi” luôn để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi. Với nhà giáo ưu tú (NGƯT), chiến sĩ Bùi Ngưng cũng không phải ngoại lệ.
Nhà giáo ưu tú Bùi Ngưng (trái)đang ôn lại những kỷ niệm qua bức ảnh cùng phóng viên TG&VN. (Ảnh: George Newman) |
Nếu ai từng biết nhà giáo Bùi Ngưng (tên thật là Bùi Ngọc Thanh) đều biết, cuộc đời ông gắn liền với những chiếc xe vận tải của quân đội. Và, câu chuyện dài thú vị suốt buổi chiều Đông giữa tôi với NGUT Bùi Ngưng cũng vì vậy mà rất đậm đà màu sắc vận tải thời chiến.
Khi được giới thiệu đến gặp cựu chiến sĩ Bùi Ngưng, tôi không nghĩ, nhân vật 94 tuổi của mình lại nhiều nhiệt huyết, với “bộ vi xử lý” hoạt động trơn tru đến vậy. Có lẽ, sự dẻo dai, tháo vát của chiến sĩ lái xe, cộng với sự điềm đạm, đĩnh đạc của một nhà giáo chính là nền tảng cho thần thái tuyệt vời ấy.
Bén duyên vận tải
Nhẹ nhàng tráng ấm, tráng trà thoang thoảng hương nhài mời tôi cùng thưởng thức cái thú nhâm nhi cho ngọt giọng, NGƯT Bùi Ngưng vừa chậm rãi kể lại thời trai tráng của chàng thanh niên quê Vũ Thư (Thái Bình), được sinh ra vào đúng năm Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.
Cái duyên vận tải đến với Bùi Ngọc Thanh chỉ hai năm sau khi ông đi theo tiếng gọi của kháng chiến. Đó là năm 1950, khi Bác Hồ cử ông sang Trung Quốc học, rồi biết trước truyền dạy cho biết sau, năm 1951, ông đã cùng khoảng 700 chiến sĩ khác sang Trung Quốc, ông cùng với các thầy giáo Trung Quốc khác dạy các học viên mới này lái xe. Năm 1952, sau khi tốt nghiệp khóa I Trường Tiến Bộ sau là Trường Đào tạo lái xe – Cục Ô tô, Máy kéo, Trạm nguồn, chiến sĩ Bùi Ngưng bắt đầu tham gia hai chiến dịch Thượng Lào và Điện Biên Phủ.
Kể đến đây, ông dừng lại hỏi tôi: “Cháu có biết câu: Coi xe như con và quý xăng như máu trở thành khẩu hiệu của các chiến sĩ vận tải từ bao giờ không? Chính là từ Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, nhằm phá thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt – Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ và mở rộng căn cứ địa, tiêu diệt một phần sinh lực quân Pháp, thử nghiệm các chiến thuật cho Quân đội Nhân dân Việt Nam cho các trận đánh lớn, cụ thể là trận Điện Biên Phủ sau đó. Đến cuối chiến dịch, ta thu chiến lợi phẩm là 75 xe và thành lập được hai đại đội xe, lấy tên là Đại đội xe 200 và 201”.
NGƯT Bùi Ngưng nhớ lại, hôm thành lập hai đại đội xe, Bác Hồ đã đến gặp trực tiếp anh em trong đội ở cây số 8, Cao Bằng. Bác nói: “Các chú thu được xe của định như thế rất tốt. Ta lấy của địch đánh địch. Lúc này quân đội ta rất cần. Ta chưa sản xuất được xe, được xăng vì vậy các chú phải giữ gìn, coi xe như con, quý xăng như máu”.
“Khiêu vũ” với… trực thăng
Tiếp theo sau những kinh nghiệm thu được từ Chiến dịch Thu – Đông 1950 chính là sự chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu như trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy chỉ diễn ra trong 56 ngày đêm thì với các chiến sĩ vận tải, trận đánh ấy kéo dài gấp ba lần thời gian ấy. Đó là bởi bộ phận vận tải chịu trách nhiệm bí mật đưa vũ khí, lương thực vào trước khi chiến dịch diễn ra, rồi phục vụ suốt chiến dịch, rồi khi thắng lợi lại đưa người và chiến lợi phẩm ra.
Ông xúc động nhớ lại: “Quá trình ấy, không thể kể hết sự gian khổ, bao mồ hôi, máu đã đổ xuống để nhiệm vụ bất khả thi phải được hoàn thành. Trong điều kiện khó khăn về đường sá như vậy, chúng tôi cứ ngày nghỉ, đêm chạy suốt. Tôi không nhớ bao lần trực thăng của địch phát hiện nên tổ chức quần thảo, bắn vào đoàn xe”.
“Cũng may là đường vận tải của ta bố trí theo đường zích zắc nên lái xe và phụ lái cứ thay nhau xi-nhan: Máy bay bổ nhào thì dừng xe mà nó ngóc đầu lên là chạy tiếp. Lúc nó vòng ra xa thì ta chạy rồi tìm chỗ nấp. Lúc nó quay lại, mất dấu, tìm chán sẽ bỏ đi. Thế là mình cắt được đuôi”, ông kể lại.
Đoàn xe thô sơ của Cục Vận tải vượt ngầm tiến ra mặt trên Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu) |
Khởi nghiệp trồng người
Với chất giọng trầm ấm và tiếng cười sang sảng, nhà giáo Bùi Ngưng cứ thế cùng tôi ôn lại quãng thời gian bi tráng, nhưng hào hùng của cái nghề cầm vô-lăng. Hết chuyện khói lửa chiến tranh, lại đến những tháng ngày đáng nhớ khi ông đươc cử sang Liên Xô học tập.
Ông kể: “Hồi đó, chúng tôi thường được Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Moscow mời đến để nghe trò chuyện mỗi khi có đoàn lãnh đạo cấp cao của ta sang thăm. Tôi vẫn nhớ lời bác Lê Duẩn dặn chúng tôi khi đó: “Ở nhà khó khăn lắm, các chú đi học phải tiết kiệm và cố gắng học tập thật tốt để trở về chiến đấu”. Chủ nhật hàng tuần, tôi thường đến ĐSQ để gửi những tài liệu, sách quý mà mình sưu tầm được về các loại xe chuyên dụng, xe xích phục vụ cho chiến tranh… để các anh em bên ĐSQ mang về. Có cuốn, tôi phải dịch và tìm hiểu đến ba tháng, kết hợp với thực tế mới có được Giáo trình giảng dạy xe có tính chất việt dã (xe tăng, xe xích) đầu tiên”.
Năm 1979, nhà giáo Bùi Ngưng xung phong ra chiến trường phía Bắc và được đề bạt làm Cục phó Cục Kỹ thuật Quân Đoàn 29 Tây Bắc. Sau khi chiến tranh phía Bắc kết thúc, năm 1988, ông đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Trung cấp Kỹ thuật quân sự và tiếp tục được Bộ Quốc phòng cử sang học tập tại Học viện Công binh Liên Xô. Trở về nước, ông được phân công công tác ở Bộ Tư lệnh Công Binh rồi chuyển sang giảng dạy ở Phân hiệu II – Trường Đại học Bách khoa (sau này là Học viện Kỹ thuật quân sự).
Trong suốt quá trình công tác, ông đi sâu tìm hiểu nguyên nhân xảy ra những sự cố kỹ thuật của các chủng loại xe cơ giới, tìm ra cách bảo quản, sử dụng các trang thiết bị trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta. Trên cơ sở đó, ông nghiên cứu biện pháp sửa chữa, khắc phục những nhược điểm của chúng, đồng thời phát huy tối đa những tính năng, tác dụng của các phương tiện kỹ thuật quân sự.
Dù ở cương vị nào, nhà giáo Bùi Ngưng cũng cống hiến hết khả năng và sự nhiệt tình của mình để truyền đạt những kiến thức đã tiếp thu được áp dụng vào thực tế huấn luyện, chiến đấu. Tới nay, ông có hơn 60 công trình nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau được công bố và ứng dụng. Đó là những tư liệu quý giá giúp cho những cán bộ, học viên làm công tác khoa học kỹ thuật quân sự học tập, tìm hiểu.
Chia tay NGƯT – Đại tá Bùi Ngưng, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm từ thế hệ anh hùng, bước ra từ khói lửa ấy. Vinh dự và tự hào!