Ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy là một bệnh lý xã hội, cần sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa, bao gồm nội khoa và ngoại khoa.
Tin mới y tế ngày 30/11: Khuyến cáo biện pháp phòng, chống ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy là một bệnh lý xã hội, cần sự phối hợp điều trị đa chuyên khoa, bao gồm nội khoa và ngoại khoa.
Ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị ngưng thở khi ngủ
Đây là nhận định của GS-TS.Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, khi trình bày chủ đề “Những tiến bộ trong hội chứng ngưng thở khi ngủ: Ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao từ chẩn đoán đến điều trị” tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc năm 2024.
Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia, giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tái lập cân bằng nội môi, điều hòa thân nhiệt, phục hồi mô và điều hòa miễn dịch.
Ngủ đủ giấc hàng đêm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một giấc ngủ sinh lý chất lượng tốt giúp tăng cường hoạt động thể chất, nâng cao hiệu suất làm việc, điều hòa cảm xúc và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo khuyến cáo của Hội Y học Giấc ngủ Mỹ (AASM), người trưởng thành nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm để duy trì sức khỏe tối ưu.
Giấc ngủ chất lượng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên, là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngủ ngáy lớn tiếng, xuất hiện thường xuyên kèm khó thở, ngưng thở, đau đầu, mệt mỏi khi thức dậy là dấu hiệu của bệnh lý cần được đánh giá và điều trị bởi bác sỹ chuyên khoa.
Các nguyên nhân gây ngủ ngáy có thể bao gồm: Lệch vách ngăn mũi, viêm amidan quá phát, hoặc béo phì.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một dạng bệnh lý phổ biến, đặc trưng bởi các cơn ngưng thở kéo dài trên 10 giây, dẫn đến giảm oxy máu và gián đoạn giấc ngủ.
Bệnh nhân thường cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, và có nguy cơ cao gặp tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động.
OSA cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
Điều trị ngưng thở khi ngủ bao gồm điều trị nội khoa như thay đổi hành vi như giảm cân, tập thể dục, tránh rượu bia và thuốc lá, điều trị viêm mũi dị ứng, và không nằm ngửa khi ngủ;
Điều trị ngoại khoa như sử dụng máy thở CPAP cho trường hợp nặng (chỉ số AHI > 30), chỉnh hình đáy lưỡi, hoặc phẫu thuật họng màn hầu lưỡi gà bằng công nghệ Coblator hiện đại.
Sinh mạng được hồi sinh nhờ trái tim được hiến tặng bởi một chàng trai 24 tuổi
Quả tim đã vượt hơn 600 km từ Bệnh viện Quân y 103 đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân H.T.P, 23 tuổi, bị bệnh cơ tim giãn và suy tim giai đoạn cuối.
Trái tim được vận chuyển kịp thời trong “giờ vàng”. Chỉ trong 4 giờ kể từ khi nhận tạng, ca ghép tim đã hoàn thành và trái tim bắt đầu đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh nhân đã tự ăn uống, vận động tại giường, và các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.
Đây là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 và là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Ca ghép được thực hiện nhờ sự điều phối của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và sự hợp tác giữa Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cùng Bệnh viện Trung ương Huế.
GS-TS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nhấn mạnh rằng trái tim hiến tặng là “món quà vô giá,” và mọi khâu từ lấy tạng, vận chuyển đến ghép tim đều không được phép chậm trễ hay sai sót.
Ghép tạng đã trở thành một lĩnh vực thường quy tại Bệnh viện Trung ương Huế, góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm y học cao cấp ở khu vực miền Trung.
Trong chưa đầy một tháng, bệnh viện đã thực hiện hai ca ghép tim xuyên Việt và bốn ca ghép giác mạc từ người hiến chết não.
Nhiều trường hợp tai nạn do chơi pháo tự chế
Trong hai ngày liên tiếp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận ba trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế.
Bệnh nhân N.K (13 tuổi) và N.T.A (14 tuổi), là anh em họ, trú tại Vĩnh Phúc, nhập viện trong tình trạng vết thương bàn tay hai bên thấm nhiều máu. Trong đó, vết thương bàn tay hai bên của bệnh nhân N.K rất nặng: dập nát ngón I bàn tay hai bên, gãy hở các đốt bàn ngón.
Trong quá trình sơ cứu, các bác sỹ chấn thương đã hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình. Do vết thương dập nát quá nặng nên không thể bảo tồn ngón I bàn tay hai bên cho bệnh nhân, các bác sỹ đã phẫu thuật làm mỏm cụt ngón I bàn tay hai bên, cố gắng bảo tồn những ngón tay còn lại. Hiện tại, sau mổ ngày thứ ba, tình trạng bệnh nhân ổn định, các vết thương khô.
Trường hợp còn lại là bệnh nhân 12 tuổi, trú tại Hưng Yên, nhập viện trong tình trạng gãy xương bàn ngón I tay trái, vết thương cẳng chân trái, đã được cắt lọc và xử lý da lóc. Bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng, với mục tiêu đưa bàn tay trở lại chức năng như ban đầu, cố gắng phục hồi tối đa.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vào mỗi dịp Tết và cận Tết, số ca tai nạn do nổ pháo tự chế luôn gia tăng đáng kể. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ việc mua pháo lậu không rõ nguồn gốc, tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và tự ý chế tạo pháo.
Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh và gia đình.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-3011-khuyen-cao-bien-phap-phong-chong-ngung-tho-khi-ngu-d231359.html