Hệ tiêu hóa sau khi bị ngộ độc thực phẩm vẫn còn yếu, chưa được hồi phục hoàn toàn, do đó đồ ăn và thức uống nạp vào cơ thể thời gian này là điều mà người bệnh cần đặc biệt lưu ý.
Sau ngộ độc thực phẩm nên chọn thực phẩm dễ tiêu
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Lê Luy Na, Phó trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), cho biết sau khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh dễ suy kiệt và ăn uống không ngon miệng, do đó cần chú ý lựa chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để tránh tạo thêm “gánh nặng” lên đường ruột; nên ăn chín, uống sôi để nguội, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều chất xơ.
“Nếu người bệnh không có các rối loạn trong việc dung nạp sữa, thì sữa vẫn là nguồn thực phẩm bổ sung có giá trị dinh dưỡng cao giúp người bệnh nhanh phục hồi sau khi tình trạng ngộ độc đã được kiểm soát. Hơn nữa, sữa chua, sữa uống lên men chứa nhiều lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột, giúp niêm mạc đường ruột nhanh phục hồi. Người bệnh nên tránh các loại sữa, sản phẩm từ sữa không tiệt trùng”.
Cung cấp đủ lượng nước
Ngoài ra, bác sĩ Luy Na khuyên mọi người cần cung cấp đủ lượng nước: “Trong thời gian bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường dễ bị mất nước và các chất điện giải. Người bệnh cần bổ sung nước đầy đủ, chú ý sử dụng nguồn nước sạch như nước đun sôi để nguội, nước uống đóng chai, nước dừa tươi, nước khoáng… ưu tiên các loại hoa quả ít chua, có nhiều nước như dưa hấu, thanh long, dưa gang… và các loại hoa quả dễ tiêu, giàu kali như chuối, táo… Tránh sử dụng các loại đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê”.
Đối với các đối tượng đặc biệt như trẻ em, sau khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ cần nhanh chóng tập làm quen lại với chế độ ăn như bình thường, đa dạng các loại thực phẩm, sau đó tăng thêm 1 bữa so với bình thường trong 1-2 tuần đầu để đảm bảo hồi phục cân nặng. Thức ăn nên mềm nhuyễn, dễ tiêu và được chia nhỏ nhiều bữa.
Đối với người lớn tuổi, sức nhai giảm, các tuyến dịch vị giảm bài tiết dễ làm người bệnh đầy hơi, khó tiêu, giảm cảm giác thèm ăn, do đó nên dùng những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Người bệnh cũng cần hạn chế những thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn có nhiều gia vị gây kích ứng cho dạ dày, ví dụ như đồ chua, cay, nóng.
Chú ý lượng muối ăn
Bác sĩ Luy Na khuyến khích chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng với lượng gia vị vừa phải để đảm bảo sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị nên ăn dưới 5 gram muối/ngày. Lượng muối này không chỉ có trong muối tinh khiết mà còn trong các loại gia vị thường gặp như mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt… Người bệnh nên hạn chế nhóm gia vị này trong chế độ ăn dù có ngộ độc thực phẩm hay không.
“Khi ăn uống, chúng ta nên chọn thực phẩm tươi, không bị ôi thiu, không hết hạn sử dụng và luôn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Luôn đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, để ý quan sát thực phẩm trước khi sử dụng là các việc làm cần thiết. Nếu thực phẩm có dấu hiệu biến đổi màu sắc, mùi vị hay tăng độ nhớt thì không nên ăn. Cách bảo quản thức ăn cũng rất quan trọng, tốt nhất nên ăn ngay khi vừa nấu xong, ăn xong trong ngày và bảo quản đúng cách trong thời gian phù hợp để đảm bảo sức khỏe người dùng”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hau-ngo-doc-thuc-pham-nguoi-benh-can-chu-y-gi-ve-che-do-dinh-duong-185241129201802783.htm