Kinhtedothi – Trong 3 ngày 26-28/11, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) tổ chức chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại 3 tỉnh: Hải Phòng, Nam Định và Thái Nguyên.
Đây là hoạt động nhằm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Tăng cường thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Báo cáo với đoàn khảo sát, các tỉnh nhấn mạnh luôn quan tâm đến các hoạt động góp phần khơi dậy và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Theo đó, TP Hải Phòng hiện có 1739 câu lạc bộ văn hóa và 2.730 câu lạc bộ thể thao, 1355 đội văn nghệ quần chúng… Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên là 37,7%, tỷ lệ gia đình thể thao là 25,5%. Nhiều hoạt động văn hóa lớn toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng… TP Hải Phòng cũng đã xây dựng và nhân rộng được 201 mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 471 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 110 Câu lạc bộ giảm thiểu tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài; toàn thành phố có 604.211/638.701 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 94,6%; 1.453/1.761 thôn, tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 82,5%…
Đến nay, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nam Định đã đảm bảo đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Toàn tỉnh có gần 900 đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia, tổ chức được hơn 700 buổi hoạt động/năm. Đồng thời, Sở đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của của đất và người Nam Định với các lễ hội nổi tiếng như Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Chùa Keo… Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; biên soạn, cung cấp nội dung tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên hệ thông truyền thanh cơ sở; tổ chức các tọa đàm, diễn đàn…
Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có 2.254 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT. Trong năm 2024, đã tổ chức 99 buổi biểu diễn nghệ thuật; 68 buổi tuyên truyền lưu động, phục vụ 60 buổi văn hóa trà; Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lễ hội lớn như: Lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và giải Việt dã Tiền phong – chạy tập thể tỉnh Thái Nguyên năm 2024; Khai mạc mùa du lịch Thái Nguyên… Ngoài ra, quan tâm, đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử vào trong các cấp học; xây dựng mô hình điểm về truyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học; cấp phát 9.000 tập gấp tuyên truyền; 5.450 cuốn tài liệu tuyên truyền về đạp đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học…
Chia sẻ với các tỉnh, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: Nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó mới đây, đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Những điều trên càng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở trong xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Thủ đô hiện nay, trong đó có nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiến tới xây dựng con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng thế hệ trẻ thật sự trở thành những chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại…
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhận định, mỗi địa phương có những phương hướng, cách triển khai khác nhau nhằm phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Tuy nhiên, các hoạt động cần được thực hiện, tuyên truyền thường xuyên hướng tới người dân tránh hình thức. Tập trung xây dựng các tiêu chí về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ tuyên truyền để những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ được tiếp tục lan tỏa…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trao-doi-kinh-nghiem-xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-gia-tri-gia-dinh.html