Tiếp nối bài viết trong series “Tuổi nào cũng cần an yên” thuộc chiến dịch “chữa lành” Inner U là câu chuyện “Hiểu mình để vượt qua giới hạn” của chị Trần Xuân Ngọc Thảo, Giám đốc Nhân sự và Truyền thông tại VNG, một đại diện của Thế hệ Y đã có gần 8 năm gắn bó với VNG.
Chị bắt đầu hành trình của mình ở VNG như thế nào? Với hành trình gần 8 năm gắn bó ấy, chị cảm nhận như thế nào về công việc và con người tại VNG?
Thảo bắt đầu vào làm tại VNG năm 26 tuổi, nếu gói gọn thì sẽ có 3 giai đoạn chính.
Đầu tiên là bắt đầu với vai trò Internal Communication (Truyền thông nội bộ). Thảo đã quan sát rất kĩ và thấy mảng này ở VNG chưa được đầu tư đúng mực, còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tầm nửa năm sau đó, Thảo nhận ra cái VNG cần thực chất là Employer Branding (EB – Truyền thông nhà tuyển dụng). Ở thời điểm đó, EB là một thứ rất mơ hồ, rất mới, ngay cả những công ty lớn cũng chưa thật sự định nghĩa được công việc này là gì.
Sau khi mảng IC và EB của VNG đã hình thành bài bản rồi, Thảo tiếp tục trăn trở về mảng truyền thông của VNG ở cả khía cạnh bên trong và bên ngoài. Lúc đó, mảng Corporate Brand (Truyền thông Doanh nghiệp) của công ty rất tản mát, mỗi sản phẩm kể một câu chuyện riêng, còn câu chuyện chung của VNG thì gần như là không có. Sau cùng, Thảo tin là khi được quy về một mối, các thông điệp từ tầng Tập đoàn sẽ được phát ra bên ngoài thống nhất và rõ ràng hơn.
Cột mốc tiếp theo là khi Thảo tiếp nhận lĩnh vực hoàn toàn mới là Nhân sự từ cuối năm ngoái. Sau 8 tháng “lăn lộn”, Thảo nhận ra xương sống của nhân sự không chỉ là câu chuyện về người lao động, về phúc lợi, lương thưởng. Sâu xa hơn, Thảo có được những góc nhìn rất đặc thù, vừa rất bao quát nhưng cũng vừa chi tiết để hiểu rõ hơn VNG thực chất cần gì và bản thân mình có thể đóng góp những gì cho công ty.
Còn tất nhiên là không thể không nhắc tới ký ức sinh nhật khó quên nhất trong suốt thời gian đi làm của mình. Từ sau sự kiện đó, Thảo cũng kiêm nhiệm thêm một số công việc mà theo bản thân Thảo là rất đặc biệt, không phải một giám đốc nhân sự nào cũng có thể trải qua.
Mảng truyền thông và Mảng nhân sự nghe có vẻ là hai mảng không có quá nhiều sự liên quan với nhau. Động lực nào khiến chị “đón nhận thách thức” này và chị đã vượt qua nó như thế nào?
Thực ra, từ trước đó, Thảo đã trăn trở trong câu chuyện quản trị nhân sự của team Truyền thông. Mình hiểu rằng tới một ngưỡng nào đó, Thảo sẽ không thể tăng thêm SOW (Phạm vi công việc) cho các nhân sự trực tiếp dưới mình nữa, nhưng mình hoàn toàn có thể đem kinh nghiệm, sự hiểu biết về sản phẩm, về con người VNG cho các bạn ở phạm vi công ty. Khi tham gia vào lĩnh vực nhân sự, Thảo có thể bổ trợ hiệu quả cho công việc truyền thông của mình, của team, làm sao để công việc truyền thông trở nên thực chất hơn, đúng thời điểm hơn, và cũng có thể coach (đào tạo) lại cho các bạn nhân sự bên dưới.
Ngay từ đầu, Thảo đã rất quan tâm tới khía cạnh Con người – không phải bởi vì khi làm nhân sự thì mình mới quan tâm. Thảo tìm thấy những giá trị trong mỗi tương tác hàng ngày, mình cảm thấy vui khi quan sát các bạn trong team làm việc, và điều đó tạo cho Thảo niềm hạnh phúc để cân bằng với những cảm xúc tiêu cực khác.
Chị có thể chia sẻ rõ hơn về cách chị phát triển sự thấu hiểu bản thân và nhận ra điều gì thực sự có ý nghĩa với mình không?
Đối với Thảo, sự lạc quan và khả năng cân bằng cảm xúc không đến từ một công thức cố định hay một thói quen cụ thể, mà từ việc hiểu rõ bản thân. Khi mình hiểu bản thân mình vui vì điều gì, buồn vì điều gì, mình sẽ biết được điểm cân bằng là ở đâu. Như đã chia sẻ, Thảo quan tâm tới con người, do đó, mọi sự vui buồn trong cuộc đời đi làm của sẽ đều xoay quanh con người. Từ đó Thảo rút ra được những yếu tố giúp mình cân bằng, có thể là những giờ phút cuối tuần cùng gia đình, lúc đi spa, hay lúc chơi với thú cưng,… Thực tế, có thể có rất nhiều thứ phức tạp xung quanh mình, nhưng Thảo luôn có xu hướng tìm về những yếu tố cốt lõi giản đơn nhất, điều này giúp mình nhìn ra được vấn đề mình cần giải quyết nhanh hơn và cũng bớt sự cảm tính hơn. Thảo không kìm nén hay né tránh mà chọn cách đối diện, thừa nhận những cảm xúc tiêu cực, cho mình không gian để giải tỏa nhưng trong một giới hạn nhất định. Trong bất kì hoàn cảnh nào, Thảo đều cố gắng giữ bình tĩnh và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất.
Theo chị, làm thế nào để mỗi cá nhân có thể thấu hiểu bản thân mình và mọi người xung quanh, từ đó tìm được cách chăm sóc tinh thần phù hợp?
Mỗi thế hệ đều có những trải nghiệm riêng, định hình nên bản sắc và những giá trị khác biệt. Tuổi trẻ thường khao khát khẳng định bản thân, dễ phản ứng mạnh với những gì không đúng ý mình, ngược lại, những người lớn tuổi đã qua nhiều trải nghiệm hơn, đạt được sự bình ổn và ít cần chứng minh mình với người khác.
Để mỗi cá nhân có thể thấu hiểu tâm hồn của người khác và chăm sóc tinh thần của chính mình, kỹ năng giao tiếp hiệu quả là điều rất quan trọng. Thảo mong rằng, khi thế hệ trước nhìn vào thế hệ sau, họ sẽ thấy lại một phần tuổi trẻ của chính mình. Khi chúng ta nỗ lực tìm kiếm điểm chung thay vì khác biệt, giá trị và ý nghĩa của sự kết nối sẽ trở nên rõ ràng hơn. Cuối cùng, dù thuộc thế hệ nào, tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và một nơi để đóng góp giá trị của bản thân.
Suy nghĩ của chị về việc Gen Z bị nhận định là mong manh và có những phản ứng khác biệt so với các thế hệ trước?
Thảo nghĩ, nhận định này có thể đến từ việc Gen Z chưa trải qua đủ nhiều thử thách và thiếu kết nối sâu sắc với những người xung quanh. Thực ra điều này hoàn toàn có thể giải thích được, nó bắt nguồn từ bối cánh văn hóa và môi trường mà các bạn lớn lên. Đây là thế hệ tiếp xúc với internet từ rất sớm, thành thạo trong việc tiếp thu thông tin và kiến thức chuyên môn nhưng khả năng quản trị cảm xúc và kỹ năng giao tiếp – yếu tố quan trọng trong việc tương tác và kết nối – lại chưa được phát triển toàn diện.
Thay vì xem yếu tố này là hạn chế, Gen Z có thể chủ động vượt qua bằng cách mở rộng thế giới quan và xây dựng những kết nối mới với các thế hệ khác. Chính sự chủ động tìm hiểu và tiếp xúc với các quan điểm, trải nghiệm đa dạng sẽ giúp các bạn nâng cao khả năng thích nghi và phát triển kỹ năng tương tác và giao tiếp hiệu quả.
Sau cùng, chị có lời khuyên gì dành cho các Starter đang trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng công việc – cuộc sống?
Hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần là một quá trình dài và cần nhiều thời gian, sự kiên nhẫn. Mỗi người, dù thuộc thế hệ nào, cũng đều có những hoàn cảnh và thử thách riêng, nhưng điểm chung mà chúng ta đều chia sẻ là mong muốn tìm ra sự bình yên và ý nghĩa trong cuộc sống. Hành trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chắc chắn nó luôn đáng giá. Thảo chỉ mong mọi người hãy luôn nhớ mỗi nỗ lực để hiểu mình và chăm sóc tinh thần của bản thân là một phần của sự trưởng thành và hạnh phúc.
Trong tháng 11/2024, VNG khởi động chiến dịch “Inner U” với thông điệp Embrace the Inner U (Tôn trọng cảm xúc thật), nhằm giúp nhân viên tìm lại sự cân bằng trong công việc và đời sống cá nhân, từ đó xây dựng môi trường sống và làm việc tích cực, lành mạnh. Chiến dịch Inner U ra đời với mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, định hướng cho Starter tư duy tích cực cũng như thay đổi, loại bỏ những thói quen có thể gây tổn hại đến cảm xúc cá nhân.
|
Nguồn: https://www.vng.com.vn/news/enterprise/inneru-gen-y-hanh-trinh-hieu-minh-nao-cung-dang-tran-trong.html