Với những dự kiến thay đổi trong tuyển sinh ĐH năm 2025, các chuyên gia cho biết thí sinh không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên các trường còn nhiều băn khoăn về mặt kỹ thuật khi thực hiện xét tuyển sớm theo quy định của dự thảo quy chế.
XÉT TUYỂN SỚM DÀNH CHO TS CÓ NĂNG LỰC, THÀNH TÍCH VƯỢT TRỘI
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Đáng chú ý, theo Bộ GD-ĐT, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh (TS) có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), ngoài phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ, tùy trường có thể sử dụng phương thức xét tuyển ở giai đoạn này để xét tuyển được TS vượt trội. Theo dự thảo quy chế, chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Các trường có thể sử dụng chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu, có nghĩa có thể xét tuyển sớm thấp hơn mức chỉ tiêu này.
Với tinh thần dự thảo trên, một số trường ĐH dự kiến chỉ sử dụng phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong giai đoạn xét tuyển sớm. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết định hướng năm 2025 trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2025; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đó, phương án dự kiến của trường cho giai đoạn xét tuyển sớm áp dụng với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Hai phương thức còn lại trường dự kiến thực hiện theo đợt quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM và Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có định hướng tương tự. PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết trong số 3 phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025 thì trường dự kiến dành khoảng 10% chỉ tiêu xét tuyển sớm cho phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Hai phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đợt xét tuyển phụ thuộc vào quy định chung của ĐH Quốc gia TP.HCM và Bộ GD-ĐT.
Một số trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng theo định hướng này. Trường ĐH Kinh tế-Luật dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức vào năm 2025. Cụ thể gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đợt xét tuyển sớm, trường dự kiến áp dụng phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Hai phương thức còn lại sẽ xét tuyển chung trong đợt 1 theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Đáng chú ý, Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến không thực hiện xét tuyển sớm trong năm 2025. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết trường có 5 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường; xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu dự thảo quy chế được thông qua, trường dự kiến chỉ thực hiện đợt xét tuyển chung theo quy định của Bộ GD-ĐT.
VẪN CÓ NHIỀU CƠ HỘI TRÚNG TUYỂN
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho biết TS không bị ảnh hưởng với những thay đổi về quy chế và cơ hội vẫn hoàn toàn rộng mở. Vì thế, TS vẫn cứ nên đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, ở cả đợt xét tuyển sớm và xét tuyển chung.
“Các em cứ đăng ký thoải mái dù chỉ tiêu cho đợt xét tuyển sớm chỉ 20%. Nếu chưa trúng tuyển, các em vẫn có thể dùng điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực… để tiếp tục đăng ký ở đợt xét tuyển chung. Điểm chuẩn đợt sau chắc chắn không thể cao hơn đợt xét tuyển sớm nên các em vẫn có nhiều cơ hội trúng tuyển”, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, đưa ra lời khuyên.
THỜI GIAN CÒN ÍT NẾU XÉT TUYỂN SỚM BẰNG HỌC BẠ
Tuy nhiên, đại diện các trường nêu ra những băn khoăn khi thực hiện xét tuyển sớm theo quy định của dự thảo quy chế.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết năm nay dự thảo quy chế xét tuyển quy định ở phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của TS chứ không như những năm trước có thể chỉ cần điểm học kỳ 1 kết hợp điểm những năm lớp 10, 11. Nghĩa là phải sau ngày 31.5 các trường mới có thể công bố thông tin xét tuyển. Vì thế, với những trường dùng phương thức xét học bạ để xét tuyển sớm thì thời gian còn rất ít chứ không “sớm” nữa.
“Trường ĐH FPT dự kiến xét tuyển 14.000 chỉ tiêu. Mọi năm trường vẫn xét tuyển sớm phương thức học bạ nhưng với dự kiến như thế, có thể năm nay trường tập trung vào đợt xét chung chính thức trên hệ thống sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT”.
Trong khi đó, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng bày tỏ lo ngại về việc công bố xét tuyển sau 31.5. Do thời gian quá trễ so với mọi năm, đúng thời điểm TS cần tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên tiến sĩ Tuấn nhận định sẽ không có nhiều TS nộp hồ sơ. “Tuy nhiên, trường cũng sẽ vẫn xét tuyển sớm tập trung vào 3 phương thức gồm xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm VSAT, điểm học bạ và phương thức kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ/đánh giá năng lực. Các phương thức này sẽ tiếp tục nhận hồ sơ cùng với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống chung của Bộ”, tiến sĩ Tuấn cho hay.
BĂN KHOĂN VIỆC XÁC ĐỊNH ĐIỂM CHUẨN, QUY ĐỔI ĐIỂM
Dự thảo có quy định “trường bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung”, nghĩa là nếu đợt xét tuyển sớm điểm chuẩn của phương thức học bạ là 20 thì đợt xét tuyển chung điểm chuẩn phương thức này có thể lấy từ 20 trở xuống.
“Đây chính là điểm rất bất cập và dễ gây ra rủi ro cho các trường. Vì trong trường hợp ở đợt xét tuyển chung, nếu số lượng TS nộp học bạ tăng vọt và phổ điểm cao, thì với điểm chuẩn 20, nguy cơ TS trúng tuyển sẽ vượt xa số chỉ tiêu còn lại. Lúc này trường không thể tăng điểm chuẩn thành 23, 24 để gọi TS trúng tuyển đúng với chỉ tiêu còn lại, do quy định điểm chuẩn đợt xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét tuyển chung. Như vậy vô hình trung các trường bị vượt chỉ tiêu”, tiến sĩ Tuấn băn khoăn.
Giải pháp mà tiến sĩ Tuấn đề ra là chỉ còn cách lấy điểm chuẩn đợt xét tuyển sớm thật cao, chẳng hạn 26, 27 điểm. Lúc này trường không cần tuyển đủ 20% chỉ tiêu, thậm chí chỉ vài TS trúng tuyển cũng chấp nhận để đợt xét tuyển chung có thể xác định được điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu, đảm bảo không bị sai quy chế. Nếu theo cách này sẽ đúng như chủ trương của Bộ GD-ĐT – đây là giai đoạn để tuyển chọn những TS có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin trường đang rà soát lại các phương thức, tổ hợp xét tuyển để có phương án phù hợp cho năm 2025. “Với 20% cho đợt xét tuyển sớm, trường sẽ sử dụng các phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm học bạ và kết hợp thi tuyển với xét tuyển ở các môn năng khiếu”, tiến sĩ Cầm cho hay. Đồng thời bà cũng băn khoăn việc xác định điểm chuẩn của đợt xét tuyển sớm phải không thấp hơn đợt xét chung, nên các trường phải tính toán rất kỹ để không xảy ra tình trạng tuyển dư chỉ tiêu ở đợt chung do điểm chuẩn của đợt đầu thấp.
Về quy định quy đổi tương đương về một thang điểm chung, trong dự thảo, tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng không nên vì mỗi phương thức có một tiêu chí đánh giá khác nhau.
Tiến sĩ Tùng đánh giá: “Quy đổi điểm xét tuyển ĐH của các phương thức về một thang điểm chung là việc không dễ. Mỗi kỳ thi có một mục tiêu đánh giá riêng, ngay cả điểm học bạ cũng khó mà quy ra điểm thi tốt nghiệp THPT được”.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cũng cho rằng có sự khác biệt về bản chất của các phương thức. Điểm thi THPT khác với điểm học bạ và càng khác với điểm thi đánh giá năng lực. Vì thế không có một chuẩn nào để có thể quy đổi tương đương.
Theo một số đại diện các trường, chính Bộ GD-ĐT cũng đã dự kiến dừng quy đổi điểm 4.0 IELTS sang điểm 10 xét tốt nghiệp THPT trong dự thảo thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vì thấy việc quy đổi điểm như vậy là không hợp lý.
“Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là 2 thứ khác nhau”
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), lưu ý: “Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là 2 thứ khác nhau. Trong đó, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi”.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh. Cũng vì hiểu chưa đúng nên TS lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
Nguồn: https://thanhnien.vn/siet-xet-tuyen-som-co-dang-lo-185241129231800821.htm