Khi nào cần thực hiện công nhận văn bằng nước ngoài?
Liên quan vấn đề này, Bộ GD-ĐT có Thông tư 13/2021 về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, thông tư này có quy định công nhận văn bằng tiến sĩ nước ngoài.
Theo Điều 3 nguyên tắc công nhận văn bằng, thông tư Bộ GD-ĐT quy định việc công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận khi người học hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.
Điều 4 của thông tư nêu rõ điều kiện công nhận văn bằng. Theo đó, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được công nhận khi chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện sau: Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo; Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
Về thẩm quyền công nhận văn bằng, thông tư quy định Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Bên cạnh đó, giám đốc Sở GD-ĐT công nhận bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng gồm những gì?
Năm 2024, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành Thông tư 07 sửa đổi, bổ sung Điều 7 của thông tư 13/2021 nêu trên, quy định hồ sơ, trình tự, kết quả công nhận văn bằng quy định.
Theo đó, người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng quy định và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
Hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng gồm:
- Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.
- Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.
- Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có).
- Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có) gồm quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; hộ chiếu, các trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh phù hợp với thời gian du học hoặc giấy tờ minh chứng khác.
- Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu).
Trước đó, câu chuyện bằng cấp của NSND Bạch Tuyết được cộng đồng mạng quan tâm. Trên một số nền tảng mạng xã hội, nhiều người hoài nghi về học vị tiến sĩ của nghệ sĩ. Trên Thanh Niên, NSND Bạch Tuyết đã lên tiếng phản hồi về ồn ào này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bang-tien-si-cua-nsnd-bach-tuyet-bang-nuoc-ngoai-cong-nhan-o-viet-nam-ra-sao-185241129100224827.htm