Từ nhiều năm nay, cái tên “thầy giáo quân hàm xanh” được bà con trìu mến đặt cho người lính biên phòng, đã quá đỗi quen thuộc ở vùng phên giậu của Tổ quốc
4641/CTPH là tên viết tắt của chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhằm thực hiện “Phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ” ở các xã biên giới, hải đảo.
“Chắc tay súng, vững tay phấn”
Đây không phải là khẩu hiệu, mà là công việc thường ngày của những thầy giáo quân hàm xanh, như đại úy Hơ Văn Di, cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý, BĐBP tỉnh Thanh Hóa. “Muốn xóa đói nghèo, lạc hậu ở các bản làng vùng cao xa xôi, phải diệt cho được giặc dốt; tối thiểu bà con phải biết đọc, biết viết, mới toan tính chuyện làm ăn” – đại úy Hơ Văn Di chia sẻ.
Suy nghĩ đó thôi thúc “thầy giáo” Di không quản ngại khó khăn, cứ mỗi đêm là xuống bản Tà Cóm, bản xa nhất của xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, dạy chữ cho bà con.
Theo “thầy giáo quân hàm xanh” Hơ Văn Di, để lớp học xóa mù chữ thường xuyên sáng đèn không phải điều đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì cả ở người học lẫn người dạy. Ban ngày bà con lao động vất vả, tối đến chỉ muốn nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, học trước quên sau, “cầm bút khó hơn cầm cuốc” là rào cản bà con đến lớp. Đồn biên phòng phải phối hợp với cán bộ phụ nữ xã Trung Lý liên tục vận động, thuyết phục, giúp bà con hiểu được lợi ích của việc xóa mù. Cũng thông qua các lớp học, BĐBP đến từng nhà học viên, vận động bà con phát triển kinh tế, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, gợi mở chương trình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là tránh xa tệ nạn ma túy. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo ở Tà Cóm giảm dần, từ một bản được xác định là “vùng đỏ” về tệ nạn ma túy; đến nay đã chuyển sang “vùng vàng” và sớm hướng tới mục tiêu trở thành “vùng xanh” về ma túy.
Những kết quả bước đầu ở một bản nghèo, giao thông cách trở như Tà Cóm có được là nhờ các chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư lệnh BĐBP. Với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng người mù chữ, tái mũ chữ, học sinh bỏ học thất học ở khu vực biên giới, hải đảo, qua 10 năm kể từ năm 2011, khi chương trình số 920 được ký kết, đã có gần 70.000 người được xóa mù chữ, khoảng 50.000 học sinh bỏ học được vận động trở lại trường. Đặc biệt xóa được trên 40 thôn, bản “trắng” về giáo dục.
Với kết quả có được, hai cơ quan tiếp tục hợp tác “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở địa bàn biên giới, hải đảo (giai đoạn 2018-2025). Công tác xóa mù chữ được tiến hành với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán và tình hình thực tế tại địa phương. Với chương trình này, các đơn vị BĐBP phối hợp với ngành giáo dục và địa phương đang duy trì trên 30 lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương với trên 700 học viên là đồng bào dân tộc khu vực biên giới, biển đảo tham gia; vận động hơn 6.000 học sinh bỏ học trở lại trường.
Nâng bước em tới trường
Từ nhiều năm nay, cái tên “thầy giáo quân hàm xanh” được bà con trìu mến đặt cho người lính biên phòng trở nên quá đỗi quen thuộc ở vùng phên giậu của Tổ quốc.
Hình ảnh những người thầy giáo – lính biên phòng còn được tô đẹp thêm ở chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn biên phòng”, mô hình có sức lan tỏa sâu rộng, do Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam phát động.
Anh Nguyễn Tấn Thành (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từng là một trong số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được BĐBP tiếp sức đến trường. Bố Thành mắc bệnh thần kinh, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Nhiều lần, Thành tính bỏ học nếu không có được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Ngãi.
Nhờ có chương trình, Thành tiếp tục học hết cấp 2, cấp 3 rồi vào đại học. Ra trường, nhận tháng lương đầu tiên, Thành dành một nửa gửi lại chương trình như một sự tri ân và hàm ơn với người lính biên phòng.
Chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn biên phòng” được Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam phát động từ năm 2016, hằng năm hỗ trợ hơn 3.000 cháu, trong đó có khoảng gần 200 cháu ở khu vực biên giới nước bạn Lào, Campuchia với mức 500.000 đồng/tháng đến khi học hết lớp 12; các đồn biên phòng trực tiếp nuôi gần 400 cháu tại đồn. Qua 5 năm thực hiện chương trình, có 3 cháu đoạt giải các kỳ thi quốc gia, 24 cháu đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh, 32 cháu đạt giải các kỳ thi cấp huyện, 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng; gần 3.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường.
Kết quả trên khẳng định tính hiệu quả của chương trình, là điều kiện thuận lợi để trẻ em vùng biên giới, hải đảo vươn lên trong học tập; góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho địa phương.
Từ thực tiễn tại cơ sở và kinh nghiệm triển khai các chương trình, mô hình của những thầy giáo quân hàm xanh, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã rút ra một số kinh nghiệm. Trong đó, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào thấy rõ lợi ích của việc nâng cao dân trí, tích cực tham gia học tập, xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, công tác tuyên truyền phải được tiến hành với nhiều hình thức kiên trì của các ngành, các đoàn thể, làm cho việc học tập trở thành nhu cầu đối với nhân dân, để họ thấy rõ nếu không có trình độ văn hóa thì không có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Nhiệm vụ xóa mù chữ ở địa bàn biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn.
Nguồn: https://nld.com.vn/xoa-mu-chu-o-vung-bien-196241109194332834.htm