Từ đầu năm học 2024- 2025 đến nay, nhiều cuộc thi trực tuyến về an toàn giao thông, hoạt động bình chọn trường học hạnh phúc…được giao chỉ tiêu cho giáo viên tại không ít trường học. Nhiều giáo viên cho biết, họ quay cuồng với các cuộc thi, với việc nhắn tin nhắc nhở học sinh (mà thực chất là nhờ phụ huynh) vào thi để lớp thầy/cô chủ nhiệm được ghi nhận thành tích.
Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực giảm áp lực ngoài chuyên môn cho giáo viên như giảm hồ sơ sổ sách, các cuộc thi trong nhà trường… nhưng tại các cơ sở giáo dục, nhiều nhà giáo vẫn phải kiêm thêm các nhiệm vụ ngoài lề như thu tiền người học, đôn đốc tuyển sinh, tham gia hoạt động phong trào, tham gia các cuộc thi trong và ngoài ngành…
Không chỉ giáo viên ở bậc phổ thông, mà cả giảng viên đại học, cao đẳng cũng phàn nàn về việc phải làm những công việc và chịu những áp lực ngoài chuyên môn như các cuộc thi mang tính hình thức, phong trào để cạnh tranh về thành tích của nhà trường. Trong các group phụ huynh, giáo viên còn yêu cầu các con sau khi làm bài thi trực tuyến nói trên, phải chụp lại màn hình gửi cô để cô báo cáo với nhà trường…
Theo chia sẻ của một số giáo viên mà chúng tôi ghi nhận tại các địa phương, khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới trong đánh giá học sinh…người thầy đã phải rất nỗ lực để thích nghi với những điểm mới. Song còn một thứ áp lực ngốn nhiều thời gian và công sức hơn đó là hàng loạt những cuộc thi, kể cả thi trực tuyến do các ngành, các cấp tổ chức mà giáo viên phải tham gia – trong khi nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học. Đáng nói là có không ít cuộc thi chẳng liên quan gì tới giảng dạy. Điều này khiến các thầy/cô khó chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn.
Thực chất việc yêu cầu giáo viên phải hưởng ứng, tham gia quá nhiều cuộc/hội thi là biểu hiện của bệnh phong trào, thành tích, chạy theo tâm lý đám đông, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Ấy là chưa kể, ngoài giờ học trên lớp, bước chân ra khỏi cổng trường thì mỗi thầy cô cũng phải đối mặt, giải quyết biết bao vấn đề trong cuộc sống. Điều đáng nói là nếu chỉ lo việc chuyên môn, bỏ qua các hoạt động thi thố nói trên, dù dạy giỏi đến đâu giáo viên cũng khó đạt xuất sắc, khó được hưởng thu nhập tăng thêm ở mức cao nhất. Vì thế, dù không muốn tham gia hoạt động ngoài chuyên môn, nhiều thầy cô vẫn phải cố, để rồi giảm đi niềm đam mê với nghề, mất đi động lực và thời gian dành cho công việc giảng dạy.
Trong báo cáo liên quan tới những thách thức của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần với giáo viên, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tinh thần không tốt. Nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tinh thần của giáo viên tại một số địa phương như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TPHCM cũng chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này bao gồm quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành; không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh…
Nhận thấy mặt trái đó, đầu năm học 2024- 2025 Sở GDĐT TPHCM đã yêu cầu tinh giản các cuộc thi không cần thiết đối với giáo viên tiểu học để thầy cô có điều kiện về thời gian, công sức tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn sư phạm. Động thái này của ngành giáo dục ở địa phương có số lượng giáo viên phổ thông lớn nhất nhì đất nước là việc làm kịp thời, cần thiết nhằm giảm tải cho các thầy, cô giáo.
Các chuyên gia tâm lý học trường học cho rằng, để giảm áp lực cho giáo viên, rất cần những giải pháp tổng thể và phải thực hiện trong thời gian dài. Trong đó, gốc rễ của vấn đề vẫn là cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.
Nguồn: https://daidoanket.vn/giam-ap-luc-cho-giao-vien-10295503.html