Tại sao phải học thêm? Tại sao phải dạy thêm? Làm thế nào để phần lớn học sinh không cần học thêm?…, theo bạn đọc Báo Thanh Niên, là những câu hỏi cần được trả lời trước khi bàn đến việc quản lý dạy thêm.
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) bình luận, gửi thêm thông tin, nêu ý kiến dưới loạt bài bàn về quản lý dạy thêm, học thêm mà Báo Thanh Niên vừa đăng tải.
Nên cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình
Một BĐ bình luận đồng thời phản ánh: “Nhà trường cấm dạy thêm ca 3, không cho học ở trường nhưng cô giáo lại kéo về nhà dạy ca 3, vậy mỗi ngày lại về muộn thêm 45 phút nữa. Vậy học lại khổ hơn. Cấm trong nhà trường nhưng có cấm được ở nhà cô đâu. Cứ bảo không bắt buộc. Thử hỏi lớp có hơn 20 bạn, con mình không đi. Đứng cuối lớp là chắc. Con đi học ngày nào cũng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về. Sáng chủ nhật còn phải đến nhà cô học. Không có 1 ngày nghỉ. Quá khổ. Công nhân còn có ngày nghỉ tái tạo sức lao động”.
Một BĐ khác viết: “Tôi được biết giáo viên (GV) ngoài dạy trên lớp, thời gian còn lại dành cho việc soạn bài chấm bài và làm công tác giáo dục khác. Đây buổi sáng GV dạy trên lớp, cả chiều và tối dạy thêm. Lấy đâu thời gian làm công tác khác. Phải chăng GV được quy định làm ít thời gian quá nên có thời gian dạy thêm gấp 2 lần dạy chính”.
Do vậy, rất nhiều BĐ đồng tình cần cấm GV dạy thêm chính học sinh của mình. BĐ tên Khoa phân tích: “Nhiều người nói bác sỹ mở phòng khám ko bị cấm vì họ không ép được bệnh nhân tới phòng khám của họ, bác sỹ phải có chuyên môn tốt bệnh nhân mới tới còn GV dạy thêm học sinh trong trường thì dù GV có kém chuyên môn vẫn có nhiều cách ép được HS ở trường theo học thêm nhiều. Khác nhau cơ bản là vậy đấy”.
Do vậy, theo BĐ này, dạy thêm, học thêm chỉ có ý nghĩa tích cực khi GV không dạy thêm chính học sinh của mình, lúc đó không còn tiêu cực vì GV ngoài trường, lớp với học sinh sẽ không ép được phụ huynh hay học sinh phải học thêm mình.
BĐ Lý Trương cho rằng: “Việc ép học thêm rất tinh vi, khó kết luận mặc dù đã ngầm hiểu. Ví dụ, GV không gọi phát biểu, xếp ngồi góc cuối lớp cả năm, chấm điểm chặt, không cho làm cán bộ lớp mặc dù có năng lực… Trăm kiểu lý do. Tóm lại cần cấm triệt để”.
Tương tự, BĐ Đinh Tiến Tới đề nghị cấm triệt để GV dạy ở các trường, nếu vi phạm thu bằng, phạt nặng. Ai có nhu cầu học thêm nên đến các trung tâm chuyên về dạy thêm.
Cùng quan điểm, BĐ Quang Trần góp ý: “Chỉ cần đưa ra 1 điều cấm, là cấm GV dạy thêm học sinh của mình. Vậy là giáo dục đi vào nề nếp”. Khi thực hiện được việc này, theo ĐB tên Trang, nếu HS có nhu cầu học thì tìm GV mình thích học và GV nào giỏi sẽ có học sinh tìm đến.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng nhắc việc cấm GV dạy thêm. Một BĐ đề xuất: “Theo tôi cứ cho học thêm, dạy thêm thoải mái bởi vì đó là nhu cầu thực tế của GV và HS nhưng với điều kiện đến kỳ kiểm tra, thi cử thì sẽ chọn bài kiểm tra, bài thi trong ngân hàng đề (chuyện này không khó đối với ngành giáo dục) để tránh tình trạng có học thêm mới biết làm bài”.
BĐ Khai Nguyen cũng cho rằng, cần quản lý chứ không có nghĩa là cấm đoán lung tung. Chỉ cần người dạy thêm đạt yêu cầu sư phạm (bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm của các trường được ngành giáo dục công nhận) và phải xin giấy phép của cơ quan giáo dục địa phương. Dĩ nhiên phải nộp thuế như một ngành kinh doanh. Chuyện ai cần đi học thuộc về quyền tự do lựa chọn của người học.
Trong khi đó, BĐ Le nêu ý kiến: GV nào muốn dạy thêm thì phải đăng ký dạy ở trung tâm dạy thêm. Còn những GV tự dạy thêm tại nhà thì coi như dạy chui, trốn thuế, cần phải xử phạt hành chính, treo bằng có thời hạn cũng như thông báo đến nơi quản lý.
Xem lại chương trình, chất lượng GV, cách thi cử
BĐ V.Năng đặt vấn đề: “Tại sao phải học thêm? Tại sao phải dạy thêm? Làm thế nào để phần lớn học sinh không cần học thêm?… Không trả lời những câu hỏi này thì làm sao bỏ dạy thêm được?”
BĐ Thao Pham cũng cho rằng: “Để tránh dạy thêm và học thêm thì chương trình đừng nặng quá so với các em. Học cái gì thì kiểm tra cái đó. Tránh tạo áp lực trong thi cử lên các em”.
BĐ Rbab… nhìn nhận việc học sinh cần phải học thêm nhiều khi không phải do nhu cầu mà là buộc phải học thêm. BĐ này nêu ví dụ môn tích hợp ở cấp THCS hiện nay có 3 môn ghép lại nhưng lại được giảng dạy bởi một GV. Nhiều GV chỉ có một chuyên môn nên không tự tin giảng các môn còn lại và yêu cầu học sinh về phải tự tìm hiểu thêm.
Cách dạy học như vậy khiến học sinh không hiểu bài, phụ huynh lo con bị “mất căn bản” nên buộc lòng phải cho con đi học thêm những GV có chuyên môn để con họ không bị hổng kiến thức.
Do vậy, BĐ Rbab nêu quan điểm: “Cấm dạy thêm, học thêm nhưng không xem xét nguyên nhân gốc rễ. Học sinh học thêm nhiều rất tội cho các bé, nhưng các bé vẫn muốn học vì trên lớp GV dạy không hiểu…”.
BĐ Nguyen Duc Canh đồng tình: “Cần tăng cường đánh giá chất lượng dạy học của GV, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm của người học. Trường công lập cần có kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí. Hiện nay số học sinh đi học thêm là rất đông, vậy nên Bộ GD-ĐT cần xem lại chương trình có phù hợp không, hoặc chất lượng GV có đảm bảo không. Nếu chương trình phù hợp rồi mà học sinh còn phải học thêm nhiều chứng tỏ GV chưa đảm bảo chất lượng, cần bồi dưỡng thêm hoặc cho nghỉ dạy…”
Cũng theo BĐ này, cần xem lại cách đánh giá, thi cử. Một số đề thi, hoặc bài kiểm tra ra theo kiểu đánh đố, chỉ có đi học thêm mới làm được thì càng kích thích cho dạy thêm học thêm tràn lan. Học sinh và phụ huynh nay quá khổ vì tiền học thêm gấp nhiều lần tiền học phí. Các cháu không còn thời gian vui chơi nữa vì học thêm quá nhiều.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-sao-phai-hoc-them-tai-sao-phai-day-them-185241129171349568.htm