CÂY SƯA TỔ Ở ĐÂU ?
Mỗi độ tháng tư về, những người xa Tam Kỳ chỉ cần nhìn những bức ảnh bạn bè chụp hoa sưa nở rộ trên phố phường lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm đẹp với thành phố trẻ này. “Ngắm những bức ảnh, tôi lại nhớ những ngày mình hay lang thang dưới những tán sưa rực vàng. Chỉ một cơn gió nhẹ, cánh hoa sưa rơi đầy trên phố, trông rất lãng mạn. Xa thành phố này gần 10 năm, tôi luôn muốn mình trở về đúng dịp hoa sưa nở để lại được chìm đắm trong không gian đầy ký ức”, anh Nguyễn Văn Thành (38 tuổi, trú TP.Đà Nẵng) trải lòng và nói thêm: “Tôi rất vui khi những năm gần đây, TP.Tam Kỳ tổ chức lễ hội hoa sưa với nhiều hoạt động phong phú để tôi có thể dẫn người thân đến trải nghiệm”.
Lễ hội Tam Kỳ – Mùa hoa sưa do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức vào tháng 4 vừa qua đã là kỳ lễ hội thứ 6. Đây là kỳ lễ hội được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 20 hoạt động, trong đó đáng chú ý là lễ đón nhận bằng công nhận Cây Di sản VN đối với quần thể 9 cây sưa ở làng Hương Trà (P.Hòa Hương).
Khắp TP.Tam Kỳ, sưa được trồng nhiều trên các tuyến đường với tổng cộng hơn 5.000 cây. Tuy nhiên, đây chỉ là những thế hệ cây sưa “hậu sinh”. Ngay cả lũy sưa 9 cây di sản với tuổi đời trung bình khoảng 100 năm, cây lớn tuổi nhất cỡ 150 năm, cũng là lứa “cây con”. Làng Hương Trà, nơi khởi phát để có “cánh rừng sưa” Tam Kỳ như ngày nay, từng tồn tại một cây sưa khổng lồ.
“Liệu đó có phải là cây sưa tổ, để người dân lấy cành, nhánh nhân giống?”, tôi mang câu hỏi này đến gặp ông Trần Xuân Quang (76 tuổi, một thầy giáo uyên thâm lịch sử địa phương). Ông Quang chậm rãi nói: “Theo dòng lịch sử, vào khoảng những năm đầu thế kỷ 17, những cư dân Thanh Hóa nam tiến rồi định cư tại làng Hương Trà. Đây được coi là “làng cái”, một trong những ngôi làng đầu tiên của Tam Kỳ xưa. Vì hành nghề sông nước nên những bậc tiền hiền định cư ở vùng ngã ba sông Tam Kỳ, trên cồn cát bồi ven sông. Năm Giáp Tý 1864 (dưới thời vua Tự Đức) xảy ra một trận lụt rất lớn, người dân làng Hương Trà mới xin huy động sức dân để đắp một con đê ngăn lũ. Đây cũng là công trình cự thủy an dân đầu tiên của Tam Kỳ”.
Ông Quang cho hay, để giữ con đê và cũng là con đường nối thông làng Hương Trà ra với bên ngoài trước mỗi mùa mưa lũ, người dân đã chặt cành của cây sưa được trồng cạnh đình làng Hương Trà từ thuở khai hoang rồi mang lên cắm hai bên đê để ngăn xói lở, giữ đất. Theo năm tháng, con đường dẫn vào làng Hương Trà rợp bóng cây sưa và chúng cũng già đi theo thời gian, hội đủ những tiêu chí để trở thành Cây Di sản VN.
“Năm 1936, cây sưa tổ hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình khi nó được cưa hạ để lấy gỗ trùng tu ngôi đình bên cạnh. Ông nội tôi là người đã hạ cây sưa này, kể rằng cây sưa tổ lớn đến mấy người ôm”, ông Quang kể.
TÔN VINH VẺ ĐẸP HOA SƯA
Thầy giáo Trần Xuân Quang chia sẻ, lễ hội hoa sưa tại làng Hương Trà sau 6 kỳ tổ chức đã dần ổn định và hình thành trong tâm thức người dân. Từ câu chuyện của một loài thực vật cho hoa đẹp đã trở thành một lễ hội tuy mang hơi hướm hiện đại nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, nhắc nhớ lịch sử, ghi ơn bậc tiền nhân. Đặc biệt là khi lễ hội có nhiều hoạt động gắn với ngôi đình Hương Trà linh thiêng. Trong mùa lễ hội kéo dài đến giữa tháng 4.2024, UBND TP.Tam Kỳ đã tổ chức hàng loạt sự kiện gắn liền với các giá trị truyền thống, như: khai hội làng Hương Trà, ngày hội áo dài, giải đua thuyền, trình diễn hô hát bài chòi, hội thi cờ làng… cùng nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao hết sức sôi động.
Ông Võ Thành Cung, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Truyền thông TP.Tam Kỳ, cho biết lễ hội hoa sưa được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của hoa, đồng thời thu hút du khách đến với TP.Tam Kỳ tham quan, trải nghiệm, chiêm ngưỡng hoa sưa. Bởi vậy, công tác tổ chức lễ hội thường không ấn định theo ngày tháng mà phải bám sát với mỗi mùa hoa nở.
“Hoa sưa nở khi tháng 4 về, nhưng nói chính xác thời điểm nào thì không ai chắc chắn. Thường thì hoa trổ tập trung trong vòng 1 tháng với 3 – 4 đợt. Hoa sẽ nở rộ vào đợt thứ 2, cách đợt 1 khoảng 8 – 10 ngày. Hoa bung nở trong vòng 3 ngày rồi rơi thành thảm hoa vàng rất đẹp mắt. Đó cũng là lúc lễ hội bắt đầu”, ông Cung nói.
Lấy người dân làm chủ thể của lễ hội cũng như hướng đến danh hiệu “thành phố hoa vàng”, ban tổ chức có những hoạt động nhằm phát động phong trào trồng hoa sưa trên toàn TP.Tam Kỳ. Ngành chức năng vận động người dân hiến những cây sưa có tuổi đời từ 50 – 60 năm, đường kính thân từ 30 cm trở lên. Trong mùa lễ hội vừa qua, TP đã khen thưởng những hộ dân dù đã hiến tặng sưa nhưng vẫn nỗ lực gìn giữ, bảo vệ tốt. Ông Cung cho biết bên cạnh chủ trương nhân rộng diện tích cây sưa, TP cũng chỉ đạo rà soát các cây cổ thụ giống bản địa để tiếp tục đề nghị công nhận cây di sản.
“Với người dân Tam Kỳ, nếu hoa sưa là niềm tự hào thì lễ hội hoa sưa như một lời mời gọi du khách đến không chỉ để ngắm mà còn có thứ để chơi. Không phải ngẫu nhiên mà hoa sưa được chọn làm biểu tượng nhận diện trong logo của Tam Kỳ vừa được công bố hồi tháng 9.2024. Với chủ đề Non nước nở hoa, phía trên logo là một hoa sưa cách điệu nở rộ, tượng trưng cho sự hội tụ của văn hóa, đất, nước và con người Tam Kỳ”, ông Cung chia sẻ. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-le-hoi-doc-dao-thon-thuc-cung-mua-hoa-sua-185241128232610588.htm