Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature gần đây, một ngôi sao cạn kiệt nhiên liệu sẽ nở ra gấp hàng triệu lần kích thước ban đầu và “nuốt chửng” mọi vật chất cũng như hành tinh lân cận.
Các nhà thiên văn học cho rằng một hành tinh trong dải ngân hà đã “bốc hơi” sau vụ nổ từ một ngôi sao đã trở nên sáng hơn 100 lần chỉ trong 10 ngày trước khi nhanh chóng mờ dần. Vụ nổ xảy ra gần chòm sao Thiên Ưng (Aquila) cách Trái Đất khoảng 12.000 năm ánh sáng. Sau tia sáng này là tín hiệu cho thấy ngôi sao tỏa ra khí lạnh hơn.
Các nhà khoa học cho rằng những diến biễn như vậy chỉ có thể xảy ra khi một ngôi sao “nuốt chửng” một hành tinh gần đó. Theo nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard và Viện Công nghệ California (Caltech) đứng đầu, tình huống tương tự cũng sẽ xảy ra với Trái Đất khi Mặt Trời được cho là đốt cháy hết các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, điều này sẽ chưa thể xảy ra trong 5 tỷ năm nữa.
Tác giả chính của nghiên cứu, Kishalay De – Viện Nghiên cứu vật lý thiên văn và vũ trụ Kavli thuộc MIT, cho rằng: “Chúng tôi đang nhìn thấy tương lai của Trái Đất”.
Theo Trần Quyên (TTXVN)