Năm 2025, lần đầu tiên Công nghệ, Tin học trở thành môn thi tốt nghiệp THPT; đồng thời từ năm 2026, kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội sẽ có môn Công nghệ, Tin học… Các trường đã khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký và triển khai dạy học và ôn tập theo định hướng của các em.
Trường THPT Tam Đảo II (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) năm nay có 266 học sinh khối 12. Theo khảo sát của nhà trường, có 60% các em đăng ký 2 môn tự chọn là Lịch sử và Địa lý; 40% còn lại đăng ký các môn Vật lý, Hóa học và các môn còn lại. Riêng môn Công nghệ và Tin học do mới lần đầu xuất hiện trong kỳ thi mang tính quyết định nên học sinh và gia đình còn nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ, chưa lựa chọn.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa của 2 môn này nhưng với đặc thù là trường miền núi, tập trung nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc học tập vẫn còn khó khăn với nhiều học sinh nên việc các em lựa chọn các bài thi truyền thống là điều dễ hiểu.
Đại diện nhà trường cho biết ngay từ đầu năm học, trường tổ chức khảo sát và ôn tập theo tổ hợp môn các em lựa chọn. Ngoài chú trọng hệ thống hóa kiến thức, các trường còn tăng cường rèn luyện kỹ năng làm bài thi theo hình thức mới. Giáo viên tăng cường dạy học bám sát cấu trúc và đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố để học sinh được làm quen và có hình thức ôn tập phù hợp.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), sau khi thống kê số học sinh lớp 12 đăng ký các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đơn vị tổng hợp được 24 tổ hợp. Trong đó dẫn đầu là tổ hợp 2 môn tự chọn Tiếng Anh, Vật lý với 332 học sinh, sau đó đến tổ hợp Hóa học, Sinh học với 120 em. Tiếp đến là các tổ hợp Vật lý, Hóa học; Tiếng Anh, Hóa học; Tiếng Anh, Lịch sử; Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật… Còn lại những tổ hợp như Địa lý, Công nghệ; Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Tin học, Địa lý…, mỗi tổ hợp chỉ có 1 học sinh chọn. Đây là khó khăn cho nhà trường trong việc bố trí giáo viên ôn tập, theo sát học sinh.
Đây cũng là khó khăn của rất nhiều trường đang phải đối mặt khi một số môn học có ít, thậm chí rất ít dưới 5 em đăng ký tham gia. Giải pháp cho vấn đề này đang được một số trường ở TPHCM thực hiện đó là tổ chức cho học sinh đăng ký các “lớp học chạy”. Cụ thể, buổi sáng các em vẫn học theo thời khóa biểu bình thường còn buổi chiều, học sinh chọn môn học/môn thi nào thì sẽ theo lớp học đó. Do được học môn mình yêu thích, chủ động lựa chọn nên học sinh hào hứng, tiếp thu bài tốt hơn. Dù có những khó khăn như một lớp học như vậy có nhiều học sinh đến từ các lớp khác nhau, giáo viên buổi chiều có thể không phải là giáo viên ban sáng dạy các em nên không sát sao được hết năng lực học tập của các em, việc sắp xếp phòng học, thời khóa biểu môn học… cũng khó khăn nhưng nhìn chúng các trường đều cố gắng khắc phục để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh.
Thi tốt nghiệp THPT luôn là một kỳ thi quan trọng với mục tiêu đánh giá việc dạy và học của từng địa phương, từng trường. Vì vậy, để chuẩn bị cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các Sở Giáo dục và Đào tạo đều có kế hoạch chỉ đạo cụ thể ngay từ đầu năm học. Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết sẽ tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 toàn tỉnh sau khi kết thúc học kỳ I và học kỳ II. Sở đề nghị các trường THPT chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT với các dạng câu hỏi mới, nghiên cứu đề tham khảo tốt nghiệp THPT; xây dựng nguồn tài liệu ôn thi phù hợp đáp ứng yêu cầu của kỳ thi. Đồng thời tích cực trao đổi chia sẻ tài liệu ôn tập, học hỏi kinh nghiệm với các đơn vị trong tỉnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong chuẩn bị các nguồn học liệu ôn tập cho học sinh; các cụm chuyên môn tăng cường tổ chức các hoạt động trong cụm để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT.
Ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) đưa ra lời khuyên với các thí sinh đang đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp THPT, đó là cần cân nhắc kỹ càng việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tốt nghiệp cũng như hướng đi tiếp vào ĐH, cao đẳng của học sinh. Việc chọn 2 môn để thi các em nên tập trung vào môn sở trường, có thế mạnh hoặc hứng thú, điều này sẽ giúp việc học và ôn thi trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn nhưng cũng có hạn chế trong việc lựa chọn tổ hợp để đăng ký xét tuyển vào ĐH. Vì vậy, các em cần theo dõi sát thông tin, đề án tuyển sinh do các trường ĐH thông báo để có căn cứ lựa chọn chính xác, tăng cơ hội trúng tuyển với việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-can-trong-lua-chon-mon-thi-10295505.html