Cứ 50 người thì có một người mắc phải tình trạng khó nhớ mặt người khác. Các nhà nghiên cứu khẳng định đây không đơn thuần là chứng ‘hay quên’.
Không thể nhớ mặt người khác có thể gây nhiều phiền toái khi giao tiếp xã hội. Các nhà khoa học gọi đây là chứng “mù mặt”, hay còn gọi là prosopagnosia.
Các triệu chứng của dạng rối loạn này bao gồm không nhận ra người quen trong đám đông, nhầm lẫn các nhân vật trên truyền hình, không dám gọi tên người khác vì sợ… gọi sai.
Nghiên cứu của Đại học Bournemouth và Đại học Brunel (Vương quốc Anh) mới đây đã tìm hiểu liệu “mù mặt” là một tình trạng y khoa độc lập hay chỉ là sự kém nhạy bén trong việc nhận diện khuôn mặt. Nghiên cứu này xem xét 300 người Anh mắc một số triệu chứng trên kể từ khi sinh ra.
Giáo sư Sarah Bate – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết với các trường hợp nhẹ, nhiều người thường không để ý, nhưng thực tế là tình trạng này có thể giới hạn sự tương tác xã hội. Nếu nghiêm trọng hơn, người mắc không thể nhận ra người thân hoặc bạn bè của mình khi gặp mặt.
“Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mắc bệnh này sẽ gặp khó khăn như thế nào khi tìm cha mẹ trong đám đông mà không thể nhận ra họ”, giáo sư Sarah Bate nói.
Nhìn chung, những người mắc prosopagnosia không thể nhận diện khuôn mặt quen thuộc và phải dựa vào các dấu hiệu xã hội khác hoặc đặc điểm nhận dạng khác để nhận biết người họ quen. Các nhà khoa học tin rằng tình trạng này có thể di truyền hoặc do chấn thương não nghiêm trọng gây ra.
Theo Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), những người mắc prosopagnosia cũng có thể gặp thách thức trong việc nhận biết cảm xúc trên khuôn mặt người khác cũng như xác định tuổi và giới tính họ.
Theo NHS, khi mắc prosopagnosia bạn vẫn sẽ nhìn thấy các bộ phận của khuôn mặt bình thường, nhưng tất cả các khuôn mặt có thể trông giống nhau đối với bạn. Tình trạng này ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau.
Một số người có thể không phân biệt được giữa những người lạ hoặc người không quen thân. Những người khác thậm chí không nhận ra khuôn mặt của bạn bè, gia đình hoặc chính khuôn mặt của họ.
Từ đó các nhà nghiên cứu kết luận rằng prosopagnosia nên được phân loại là một rối loạn riêng biệt.
Giáo sư Bate nhấn mạnh phát hiện của họ có ý nghĩa quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về prosopagnosia và thách thức cách nhìn nhận truyền thống rằng tình trạng này có tính liên tục.
“Điều này có thể hỗ trợ việc chẩn đoán, đặc biệt khi chúng ta cần xác định điểm mà sự suy giảm khả năng xử lý khuôn mặt được chính thức coi là prosopagnosia”, giáo sư Bate nói.
Các phát hiện mới đã được công bố trên tạp chí Cortex.
Nguồn: https://tuoitre.vn/biet-ten-nhung-khong-nho-mat-nguoi-khac-bi-gi-20241129101906012.htm