Bệnh thận mạn tính là tình trạng mà chức năng thận bị suy giảm qua thời gian. Hệ quả là khiến khả năng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa của thận kém đi. Nếu không can thiệp, bệnh sẽ tiến triển thành suy thận.
Tiểu đường, bệnh tim mạch và huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Trong giai đoạn đầu, bệnh thận mạn tính thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Qua thời gian, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ngứa da, sụt cân, buồn nôn, sưng phù chân, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Bệnh thận mạn tính sẽ trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1
Vì mới ở giai đoạn sớm nên thận chỉ bị một số tổn thương nhẹ và không có triệu chứng. Chỉ số lọc cầu thận (GFR) là từ 90 trở lên. Khi phát hiện bệnh thận còn ở giai đoạn 1, bác sĩ sẽ khuyến nghị người bệnh một số biện pháp để tránh bệnh tiến triển, chẳng hạn như duy trì cân nặng khỏe mạnh, người bị tiểu đường thì cần kiểm soát đường huyết.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2 của bệnh thận mạn tính, người bệnh thường sẽ không xuất hiện triệu chứng và các tổn thương ở thận vẫn là nhẹ. Lúc này, chỉ số lọc cầu thận sẽ giảm còn 60 đến 90. Đây là dấu hiệu cho thấy chức năng thận đã suy giảm nhẹ.
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh, chẳng hạn như thuốc giảm huyết áp, kiểm soát cholesterol. Điều này sẽ giúp bảo vệ chức năng thận. Người bệnh cũng được khuyến cáo hạn chế nạp protein và tập thể dục thường xuyên .
Giai đoạn 3
Chỉ số lọc cầu thận trong giai đoạn này sẽ còn 30-59, tức chức năng thận đã giảm ở mức vừa phải. Nhiều người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng, trong khi số khác thì cảm thấy đau lưng, sưng phù tay và chân, tăng hoặc giảm lượng nước tiểu.
Người bệnh cần khám chuyên khoa thận và uống một số loại thuốc theo chỉ định bác sĩ. Họ cũng cần gặp bác sĩ dinh dưỡng để biết những món nào cần tránh, món nào nên ăn.
Giai đoạn 4
Chỉ số lọc cầu thận giai đoạn này là 15-29. Chức năng thận đã suy giảm nghiêm trọng và thường là cơ hội cuối cùng để bảo vệ một số chức năng còn lại của thận. Người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau lưng, đau ngực, khó thở, buồn nôn, chuột rút cơ, khó ngủ, ngứa da, sưng phù chân và một số triệu chứng khác. Bệnh nhân sẽ được khuyến nghị chạy thận nhân tạo hay ghép thận.
Suy thận giai đoạn 5
Chức năng thận đã bị suy giảm rất nghiêm trọng. Người bệnh phải chạy thận liên tục. Cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng do các cơ quan nội tạng bị nhiễm độc. Lúc này, bệnh nhân cần ghép thận, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/benh-than-man-tinh-tien-trien-qua-nhung-giai-doan-nao-185241127121534822.htm