NDO – Từ người lính radar của Quân chủng Phòng không-Không quân, sau đó được cử đi học tập ở Liên Xô và trở về phục vụ đất nước, trong mấy chục năm qua, PGS,TS Lê Thanh Bình đã dành nhiều công sức, tâm huyết cho công tác ngoại giao văn hóa. Thầy đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực truyền thông và văn hóa đối ngoại cho Học viện Ngoại giao và đất nước.
Từ một người lính mang tinh thần phục vụ đất nước
PGS, TS Lê Thanh Bình nguyên là Tham tán Công sứ, Người thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, nguyên Trưởng Khoa Truyền thông quốc tế và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao. Trên cương vị của nhà ngoại giao hay một người thầy, với sự nhiệt huyết, tận tâm của mình, ông đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Trong một đêm nhạc đặc biệt có tên gọi “Cùng hát vang bài ca cuộc đời” do thầy trò Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao tổ chức vào đầu năm nay, 12 bài hát, trong đó có 10 bài do PGS,TS Lê Thanh Bình viết nhạc và lời, đã được vang lên, kể lại những câu chuyện cuộc đời của người lính, người thầy dạy ngoại giao văn hóa. Đây cũng là dịp đồng nghiệp, các thế hệ học trò tri ân những đóng góp vào sự nghiệp ngoại giao – giáo dục của nhà giáo Lê Thanh Bình.
Trong đêm nhạc, Đại tá Vũ Ngọc Diệu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là người bạn thời quân ngũ của nhà giáo Lê Thanh Bình bày tỏ: “Phong cách, bản lĩnh người lính Cụ Hồ và đặc thù linh hoạt, nhanh nhạy với công nghệ và tác chiến của chiến sĩ phòng không – không quân vẫn luôn thấm đẫm bền bỉ trong con người cựu quân nhân như những nhà khoa học, nhà ngoại giao Lê Thanh Bình hôm nay”.
Đại tá Vũ Ngọc Diệu tự hào: Sau chiến tranh, gặp lại các chiến binh như Bình và anh em khác tại Liên Xô lúc đó đã là sinh viên, hay hôm nay họ đã ở cương vị khác, tôi vẫn thấy ở họ vẫn toát lên sự nhất quán ở phẩm chất tốt đẹp, ý chí kiên định hoàn thành mọi nhiệm vụ và phục vụ đất nước hết mình.
Trước khi công tác tại Bộ Ngoại giao, PGS,TS Lê Thanh Bình có thời gian tham gia quân ngũ tại Quân chủng Phòng không-Không quân anh hùng. Sau đó, thầy được cử đi Liên Xô học ngành Báo chí truyền thông, và đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MGU).
Hơn 9 năm học tập từ cử nhân đến hết tiến sĩ ở MGU, thầy đã tiếp thu cả lý luận, thực hành nghề truyền thông báo chí và cả tấm lòng nhân hậu của thầy cô, bạn bè, nhân dân xứ sở Bạch Dương.
Thầy Lê Thanh Bình trở về quê hương và tham gia công tác tại nhiều cơ quan nhà nước, đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn khác nhau ở Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ, các đại học, học viện…, tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao, báo chí…. Ông dày công nghiên cứu và đã công bố nhiều sách, công trình khoa học về lĩnh vực truyền thông quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới.
Đến nhà ngoại giao văn hóa và người thầy tâm huyết với bao thế hệ học trò
Năm 2008, PGS,TS Lê Thanh Bình trở thành người tiên phong mở đường cho hướng đào tạo ngành truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hóa – một lĩnh vực còn mới lạ đối với các cơ sở đào tạo trong nước bấy giờ, khi đảm nhiệm vai trò là Trưởng khoa đầu tiên của Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cốt cán cho Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực truyền thông quốc tế và văn hóa đối ngoại, nhà giáo – nhà ngoại giao Lê Thanh Bình đã tiếp cận “ngoại giao văn hóa” như một lĩnh vực khoa học. Trong quá trình nghiên cứu giảng dạy, PGS,TS Lê Thanh Bình luôn sáng tạo trong cách tiếp cận, vận dụng cách nhìn hệ thống, phương pháp luận liên ngành và xuyên ngành để tiếp cận vấn đề báo chí, truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hoá. Đây cũng chính là “chìa khóa” đa năng giúp phát huy các giá trị ngoại giao văn hóa và đưa ngành học này vươn tầm quốc tế, tạo được chỗ đứng riêng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
PGS,TS Lê Thanh Bình và sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. |
Đến nay, sau 18 năm thành lập và phát triển, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại đã trở thành một thương hiệu uy tín về đào tạo truyền thông quốc tế và ngoại giao văn hóa tại Việt Nam. Những lớp sinh viên, cộng sự đầu tiên của Khoa đều đã trưởng thành và trở thành những cán bộ giỏi nghề, giàu kỹ năng để triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa – một công cụ quan trọng thể hiện sức mạnh mềm của mỗi quốc gia.
PGS,TS Lê Thanh Bình được nhiều đồng nghiệp kính phục bởi khả năng làm việc chất lượng, hiệu quả với khối lượng công việc lớn. Thầy còn là một nhà nghiên cứu lớn về truyền thông và văn hóa đối ngoại. Cho đến nay, thầy đã viết và xuất bản gần 30 đầu sách khác nhau về giáo trình về Truyền thông quốc tế, Truyền thông đối ngoại, sách chuyên biệt về ứng dụng Ngoại giao văn hóa, Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội,…
Dù công tác ở vị trí nào, người thầy đáng kính ấy cũng dùng cái tâm trong sáng và bầu nhiệt huyết đặc biệt để lao động nghề và đối đãi với mọi người chung quanh. PGS,TS Lê Thanh Bình luôn tâm niệm rằng, khi làm việc “cái tâm phải chính trực, ý phải thành thực, chí phải kiên định, hành sự phải cẩn trọng, cộng thêm tri thức và trách nhiệm”. Theo thầy Lê Thanh Bình, “đã làm thì phải dụng tâm”, bởi ông luôn nhớ tới lời dặn của Bác Hồ: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Nói về hành trình làm nghề dạy học, thầy Lê Thanh Bình chia sẻ: “Người làm ngoại giao nói chung và thầy cô giảng dạy ngoại giao nói riêng, trong đó có ngoại giao văn hóa đều phải có chuyên môn tốt, phẩm chất tốt, có sự am hiểu về phương tiện tác nghiệp, yêu nghề, tận tâm với nghề mới khơi dậy được đam mê và tiềm năng của học trò”.
Người thầy giáo tài hoa và lãng mạn
Với tình yêu và tâm huyết với môn võ cổ truyền dân tộc, dù đã nghỉ hưu được vài năm, nhưng vào đầu tháng 6 vừa qua, võ sư Lê Thanh Bình cùng với các môn sinh đã mở võ đường “Việt Nam Liên hoa Lê gia phái” tại một số địa điểm, với mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát huy, lan tỏa giá trị võ thuật và tinh hoa văn hóa võ cổ truyền dân tộc tới thế hệ trẻ.
Võ sư Lê Thanh Bình cho biết, điều giản dị đầu tiên mà môn phái hướng đến là tinh thần võ đạo – học võ để hướng tới đạo văn hóa, đạo làm người. Khi luyện võ, con người ta không chỉ học cách tự vệ, mà còn học được cách trau dồi kỷ luật và lòng kiên trì, rèn luyện bản thân toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đó là tinh thần thượng võ của dân tộc ta, và là sự tiếp nối lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy lúc sinh thời: “Rèn luyện tập thể dục thể thao, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”.
Và cũng rất thú vị khi mới đây, tập thơ “Ba áng mây và núi” của PGS,TS Lê Thanh Bình (Thơ song ngữ Việt-Anh, Nhà xuất bản Hội nhà văn in năm 2022) đã được nữ nhà văn Giovanna Ciraci chuyển ngữ sang tiếng Italia, giới thiệu với bạn đọc Italia và cuối tháng 11/2024 sẽ được chuyển về Việt Nam.
Ông đã có 8 tập thơ song ngữ Việt-Anh được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Tập thơ “Chim xanh tiếng hót xanh trời” (Thơ song ngữ Việt-Anh) được ông viết xong vào đầu năm 2024 cũng đã được nhà xuất bản Ukiyoto Canada in và phát hành tháng 6/2024.
Có thể thấy ở PGS,TS Lê Thanh Bình là sự hội tụ đa sắc mà hài hòa, từ hình ảnh của một nhà ngoại giao kỳ cựu, đến chân dung của một nhà giáo, nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, và nay là hình ảnh một người nghệ sĩ tài hoa, một võ sư thượng võ, tạo nên một nhân cách đáng ngưỡng mộ và trân quý.
Nguồn: https://nhandan.vn/pgsts-le-thanh-binh-nguoi-thay-thap-lua-va-truyen-lua-cho-nganh-truyen-thong-quoc-te-va-ngoai-giao-van-hoa-post845372.html