Nhiều trẻ nghiện sử dụng điện thoại, ti vi, iPad… từ đó làm giảm thị lực và có khả năng mắc các bệnh liên quan tâm lý. Theo chị T.V, ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cháu của chị đang điều trị tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng (TP. Hồ Chí Minh). Vì bận việc nên anh chị của chị V ít thời gian quan tâm đến con. Cháu chị V đang học lớp 4 và tiếp xúc với các trò chơi điện tử từ nhỏ. Ngày trước, cháu chị chơi đào vàng, xếp hình, sau này chơi các game bắn súng, trò chơi bạo lực.
Chi V cho biết gần đây, cháu thường nói chuyện một mình, cáu gắt, đập phá đồ, tự làm đau bản thân và tấn công người khác. Biểu hiện ngày càng nặng nên gia đình xin cho cháu nghỉ học để nhập viện điều trị.
“Bác sĩ nói cháu bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực do ảnh hưởng từ hành động của những nhân vật trên game. Qua một tháng điều trị, tinh thần cháu ổn định hơn nhưng chưa thể xuất viện và đi học. Cha mẹ cháu tạm nghỉ việc để chăm sóc con. Gia đình tốn 100 triệu đồng để lo chi phí đi lại, sinh hoạt và viện phí của cháu”, chị V nói.
Nhiều phụ huynh thường giao điện thoại cho con sử dụng mà không quy định thời gian, kiểm tra nội dung.
Anh V.Đ.C, ngụ huyện Kiên Lương (Kiên Giang) hối hận vì không quản lý thời gian, nội dung con xem trên điện thoại. Con của anh C đang học lớp 3, trước đây cháu học tốt, thân thiện, lễ phép với mọi người. Vì công việc của vợ chồng anh C quá bận nên anh cho con sử dụng điện thoại để giải trí sau giờ học.
Sau nửa năm dùng điện thoại, con lầm lì, ít nói, không thích tiếp xúc với ai, anh nghĩ do cháu học căng thẳng. Sau đó, trường thông báo việc cháu mang điện thoại đến lớp, không tập trung học, thường xuyên gây hấn với bạn bè. Anh hỏi con nhưng cháu cáu gắt và quát nạt, anh phạt con và thu điện thoại.
“Kiểm tra điện thoại, tôi thấy có nhiều trò chơi bạo lực, lịch sử truy cập có trang web chứa nội dung không lành mạnh. Sau đó, tôi đưa con đến bác sĩ tâm lý tại TP. Hồ Chí Minh và được bác sĩ cho biết cháu có biểu hiện của bệnh trầm cảm, phải dùng thuốc và tái khám 2 lần/tháng. Đến nay, con tôi điều trị bệnh được hơn nửa năm”, anh V.Đ.C nói.
Con gái (8 tuổi) của chị H.T.V.A, ngụ huyện An Biên (Kiên Giang) đang phải điều trị trầm cảm vì xem nhiều clip chứa nội dung độc hại trên TikTok. Khi bận việc, chị A thường giao điện thoại để con chơi. Sau một thời gian, chị V.A phát hiện con sợ nhiều thứ, không kiểm soát được cảm xúc, có khi khóc hoặc cười liên tục. Con của chị A đang dùng thuốc kết hợp liệu pháp điều trị tâm lý được hơn 3 tháng.
Theo Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Vân – giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP. Hồ Chí Minh), không nên để trẻ tiếp xúc nhiều các thiết bị điện tử vì sẽ làm hạn chế khả năng giao tiếp xã hội, giảm phát triển tư duy và gây nên chứng rối loạn tâm lý.
Phụ huynh nên khuyến khích con em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, chương trình dạy kỹ năng sống để giao lưu với bạn bè; thường xuyên theo dõi biểu hiện tâm lý của con, không nên chủ quan bỏ qua dấu hiệu bất thường về hành vi hay tâm lý; không nên nóng giận hoặc phạt khi con cáu gắt, đập phá đồ mà hãy nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, bác sĩ tâm lý.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI