ANTD.VN – Dù tiền gửi vào ngân hàng liên tục tăng kỷ lục, song vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Lãi suất huy động tại các ngân hàng vì vậy vẫn không ngừng tăng.
Lãi suất huy động dồn dập tăng ở kỳ hạn ngắn
Càng về những tháng cuối năm, tần suất điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng càng dày đặc. Mới nhất, MB đã tăng lãi suất tiền gửi tại quầy với các kỳ hạn ngắn (1 – 5 tháng) đồng loạt thêm 0,1%/năm; tại kỳ hạn 12-18 tháng cũng tăng thêm 0,05 điểm % lên 4,95%/năm. Trước đó, MB cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm tiền gửi số vào ngày 8/11/2024.
Theo khảo sát, chỉ tính từ đầu tháng 11/2024 tới nay, đã có có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, có thể kể đến những cái tên như: GPBank, LPBank, Nam A Bank, VIB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank…
Sau nhiều đợt tăng, lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng có nơi đã lên tới 5,95%/năm, kỳ hạn 13 tháng vượt 6%/năm. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng, như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank…
Cuộc đua tăng lãi suất dồn dập ở kỳ hạn ngắn |
Tại một số ngân hàng, mức lãi suất cao chót vót vẫn xuất hiện, song chỉ áp dụng với một số khoản tiền gửi nhất định. Có thể kể đến PVCombank niêm yết mức lãi suất tại quầy là 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng, tuy nhiên chỉ áp dụng với khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Hay HDBank cũng trả lãi 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng điều kiện là số dư tối thiểu phải duy trì mức từ 500 tỷ đồng trở lên.
MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng, số tiền gửi cũng từ 500 tỷ đồng.
Dù liên tục tăng lãi suất, song theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất vẫn ở mức tương đối thấp. Cụ thể, công bố về diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 10 từ cơ quan này cho thấy lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 – 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9 – 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng;
Với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, mức lãi suất phổ biến trong khoảng 4,4 – 5,0%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 5,2 – 6%/năm; kỳ hạn trên 24 tháng là 6,9 – 7,2%/năm.
Các mức lãi suất này không thay đổi đáng kể so với kỳ công bố trước đó. Cụ thể, lãi suất tiền gửi nhích nhẹ ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi kỳ hạn 12 tháng trở lên lại có xu hướng giảm khoảng 0,1%/năm.
Dư địa giảm lãi suất cho vay hạn hẹp
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với huy động vốn. Điều này thúc đẩy các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi.
Sở dĩ lãi suất huy động chỉ tăng ở kỳ hạn ngắn, là do nguồn vốn trung và dài hạn tại các ngân hàng hiện nay đã chuyển hướng đáng kể sang trái phiếu doanh nghiệp. Liên tục các tháng vừa qua, dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy các ngân hàng đã phát hành thành công hàng loạt lô trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ với khối lượng phát hành lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.
Nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VDSC đánh giá, việc ngân hàng tăng lãi suất đầu vào là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm. Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế, đồng thời duy trì sự an toàn và tính thanh khoản cho hệ thống.
Còn Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ được các nhà băng duy trì, chủ yếu do bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng nhanh dịp cuối năm.
Theo đánh giá của VIS Rating, làn sóng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ khi biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí huy động tiền gửi tăng cao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc lãi suất huy động tăng khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn. Trong 10 tháng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu vốn tín dụng các tháng cuối năm đang có xu hướng tiếp tục tăng, sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều.
Một áp lực nữa đối với chính sách tiền tệ, theo Ngân hàng Nhà nước là sức ép cung ứng vốn của hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, kể cả vốn trung dài hạn trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản lớn đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn).
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/lai-suat-huy-dong-lien-tuc-tang-lai-vay-ngay-cang-kho-giam-them-post596510.antd