Nông dân ở TP. Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần làm nông mà còn là những người “kể chuyện” về văn hóa, truyền thống của quê hương và du lịch nông nghiệp đang tạo ra cơ hội để du khách tiếp cận giá trị này…
Nhiều điểm nhấn trong du lịch nông nghiệp
TP. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương của thành phố tập trung đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch gắn liền với du lịch, đồng thời giới thiệu nhiều tour tuyến đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Thời gian qua, nhiều du khách quốc tế đến thành phố, bất ngờ vì không nghĩ một thành phố công nghiệp hóa mạnh mà lại có mảng xanh như ở Cần Giờ, Củ Chi…
Cần Giờ phát triển du lịch nông nghiệp với dịch vụ trải nghiệm nghề làm muối cho du khách |
Điển hình nhất là mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (triển khai từ cuối năm 2022), đến nay đã đón khoảng 4.500 lượt khách. Du khách trải nghiệm các hoạt động mới mẻ như “tắm rừng”, đua bạch tuộc, tìm hiểu nghề làm muối hay thưởng thức những đặc sản địa phương…
Tại TP. Thủ Đức thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch xanh, điển hình như Suối Tiên Farm mang đến trải nghiệm có một không hai tại Sài Gòn. Theo đó, du khách được trực tiếp tham quan, tận tay hái, ăn và mua trái tại vườn mà không cần phải vượt quãng đường quá xa. Tại huyện Bình Chánh lại có các mô hình: trồng dưa Huỳnh Long, làng Mai Vàng Bình Lợi, mô hình nuôi cá Koi trong ao đất… trong hành trình tour “Bình Chánh những điều chưa kể”. Đại diện UBND huyện này cho biết, huyện còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển các tour du lịch về văn hoá, lịch sử, sinh thái… Huyện Bình Chánh sở hữu 20 tài nguyên có thể khai thác và phục vụ du khách.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết tài nguyên du lịch nông nghiệp tại thành phố với nhiều sản phẩm có chất lượng như các làng nghề, nông trại, mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo đúng nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp đang được du khách quan tâm là trải nghiệm đời sống nông thôn gắn với du lịch cộng đồng, ăn ở cùng, trải nghiệm làm sản phẩm, chăm sóc cây trồng và quan trọng là du khách muốn đi về nông thôn nghỉ dưỡng với thiên nhiên thư thái, yên bình.
Theo Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đã có bước phát triển khởi sắc với nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Du lịch nông nghiệp tại Củ Chi thời gian qua thu hút du khách cả trong và ngoài nước |
“Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan, trong đó chủ đạo là ngành nông nghiệp và ngành du lịch. Hiện nay lĩnh vực du lịch nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh còn một số hạn chế như nguồn nhân lực, các sản phẩm, các tour, tuyến chưa đa dạng… Ngành du lịch đang cần ngành nông nghiệp hỗ trợ để phát triển lĩnh vực này”, ông Hòa nói.
Để du lịch nông nghiệp phát triển
Thống kê cho thấy trong năm 2023, chỉ có 14% du khách đến TP. Hồ Chí Minh đi về các huyện ngoại thành, các vùng nông thôn để du lịch. Điều này cho thấy giá trị du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn tại thành phố còn quá thấp so với tiềm năng.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân thành phố năm 2024, chủ đề “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn TP. Hồ Chí MInh”, ngày 27/11, kiến nghị cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi đề nghị thành phố cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông thôn, bảo tồn các nghề truyền thống trên địa bàn huyện; sớm điều chỉnh quy hoạch đất thương mại, dịch vụ để các cá nhân, tổ chức thuận lợi trong việc thực hiện xây dựng nhà lưu trú (homestay), láng trại, nhà vệ sinh…
Đang vận hành mô hình du lịch nông thôn tại huyện Hóc Môn với ý tưởng quảng bá hình ảnh 18 thôn vườn trầu ở xã Bà Điểm, ông Phan Văn Kèo – chủ mô hình cho biết, đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Hiện nay, dù đã có quy định cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nhưng diện tích cho phép còn quá nhỏ, chưa đủ để phục vụ du khách. Cạnh đó, nông dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất cùng một lúc đến từ 1 đến 3ha.
“Thành phố phải có đề án phát triển du lịch riêng cho nông dân các huyện ngoại thành. Trong đó, người làm du lịch nông nghiệp được phép xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích lớn hơn. Nếu cần thiết, buộc nông dân phải cam kết trong việc xây dựng công trình phụ trợ”, ông Kèo đề xuất.
Du lịch nông nghiệp với những tuyến tour trải nghiệm cách làm nông của HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc thu hút du khách trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Ở góc độ khác, đại diện HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc cho rằng du lịch nông nghiệp không chỉ giới hạn ở một HTX hay một trang trại đơn lẻ, mà thường cần có sự liên kết giữa nhiều HTX hoặc nhiều hộ nông dân để tạo ra một hệ sinh thái du lịch nông nghiệp rộng lớn. “HTX Tuấn Ngọc vẫn chưa thể kết nối liên kết với các HTX khác trên địa bàn. Điều này khiến các hoạt động du lịch trải nghiệm tại HTX bị hạn chế về quy mô và tính đa dạng. Do đó, HTX cần hỗ trợ để liên kết cũng như hỗ trợ đầu tư cho các đơn vị liên kết về cơ sở hạ tầng để mở rộng mô hình cũng như xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản”, ông Lâm Ngọc Tuấn, đại diện HTX Tuấn Ngọc cho biết.
Với mong muốn góp phần cùng ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh phát triển, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ông Lê Minh Dũng Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố tập trung xây dựng các mô hình du lịch dựa trên tài nguyên bản địa, kết hợp với lợi ích cộng đồng.; Đồng thời, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nông dân về kỹ năng truyền thông và quản lý để họ trở thành những người dẫn dắt, truyền cảm hứng trong các trải nghiệm du lịch… Những giải pháp này sẽ là những yếu tố quan trọng để khắc phục hạn chế, đưa du lịch nông thôn của TP. Hồ Chí Minh trở thành một điểm nhấn đặc sắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Nhấn mạnh tình trạng đô thị hóa gây ra những khó khăn nhất định cho người nông dân, do đó, phải làm sao để người dân có đất nông nghiệp có thể sản xuất và sống được với mảnh đất đó, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu thành phố tăng cường đưa nông dân đi học tập, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nước và trên thế giới. “Người nông dân thành phố phải khác nông dân các tỉnh trong việc đi đầu áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị, thì mới tạo ra giá trị”, ông Hải nói.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-ban-giai-phap-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-158205.html