Ngày 26.11.2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác giám định và giao nhận xăng dầu đường thủy tại thành phố Vũng Tàu theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Chủ trì hội nghị có Uỷ viên HĐQT – Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Dũng; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Hùng cùng đại diện lãnh đạo các Ban nghiệp vụ Tập đoàn. Hội nghị quy tụ gần 250 đại biểu, học viên là lãnh đạo và các cán bộ phụ trách nghiệp vụ tại các đơn vị thành viên Petrolimex tham dự trực tiếp cùng 40 điểm cầu kết nối trực tuyến.
Hội nghị tập trung vào phổ biến kiến thức, cập nhật các quy định của Tập đoàn cũng như thông lệ quốc tế về nghiệp vụ giám định và giao nhận xăng dầu đường thủy. Cũng trong chương trình tập huấn, các đại biểu, học viên được tham quan, tìm hiểu thực tế hệ thống công nghệ, bể chứa, cầu cảng xuất/nhập,… tại Kho cảng xăng dầu K2 – Petrolimex Bà rịa – Vũng tàu.
Nội dung giảng dạy do các giảng viên, chuyên gia tới từ Công ty Giám định Intertek – là Tập đoàn Giám định với hơn 130 năm lịch sử và phát triển. Hiện nay, Tập đoàn Intertek là Tập đoàn đi đầu trong nhiều lĩnh vực giám định như: nông sản, dệt may, xăng dầu… với hơn 44.000 nhân viên, 1.000 văn phòng và phòng thử nghiệm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó Công ty Intertek Việt Nam được thành lập năm 1998, hiện nay Công ty có đội ngũ hơn 700 nhân viên, 08 phòng thử nghiệm và văn phòng đặt tại 06 Tỉnh/Thành phố lớn của Việt Nam. Intertek Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hàng đầu với kinh nghiệm lâu năm, uy tín và đội ngũ giảm định viên chuyên nghiệp, có chuyên môn cao trong cung cấp dịch vụ giám định xăng dầu tại thị trường Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Uỷ viên HĐQT – Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải nhấn mạnh quan điểm chủ đạo của Petrolimex luôn lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính trong của sự phát triển của doanh nghiệp. Ban Lãnh đạo Tập đoàn đề cao vai trò của hoạt động đào tạo, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Xuất phát từ tình hình và yêu cầu thực tế, thông qua Hội nghị tập huấn công tác giám định và giao nhận xăng dầu đường thủy, các Ban nghiệp vụ Tập đoàn, các Tổng Công ty/Công ty và các học viên cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tuân thủ thượng tôn pháp luật; thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, quy định của Tập đoàn trong công tác giao nhận xăng dầu đường thủy đảm bảo phù hợp với điều kiện và sự nâng cấp về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ; Tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên tại Công ty nâng cao nhận thức trong các vấn đề quản lý, quản trị, pháp lý, tổ chức, kỷ luật, đảm bảo hoạt động giao nhận xăng dầu đường thủy tuân thủ tuyệt đối các quy định về an ninh, an toàn, đảm bảo chất lượng, số lượng xăng dầu giao nhận theo các quy định hiện hành của pháp luật và của Tập đoàn.
Hai là, Tập đoàn cùng các Công ty, Tổng Công ty cần chủ động, tích cực, mạnh dạn cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng tư duy đổi mới, sáng tạo trong xây dựng các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, ứng dụng tự động hóa, chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động giao nhận xăng dầu đường thủy, đảm bảo công bằng – minh bạch – khách quan, như: áp dụng thử nghiệm thế hệ đồng hồ mới (Coriolis) trong giao nhận xăng dầu đường thủy; ứng dụng báo cáo thông minh (BI) vào công tác quản trị, phân tích dữ liệu,… qua đó nâng cao chất lượng công tác giao nhận xăng dầu, tiết giảm hao hụt, tạo động lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Ba là, công tác giao nhận xăng dầu đường thủy cần hướng tới định hướng chuyển dịch xanh của Tập đoàn với một số mục tiêu cụ thể như: giảm thiểu hao hụt xăng dầu, hạn chế lượng xăng dầu bay hơi, giảm thiểu thời gian tàu chờ, trả hàng, sử dụng các loại thân thiện hơn với môi trường (LNG, Ethanol xanh,…)…trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp cốt lõi như: giải pháp thu hồi hơi trong quá trình nhập/xuất xăng dầu đường thủy, ứng dụng phương pháp nén ống trong giao nhận xăng dầu, hệ thống tự động phát hiện rò rỉ trên hệ thống công nghê (Leaking), hệ thống camera giám sát thông minh…
Bốn là, xây dựng tiêu chí, cơ chế lựa chọn Tổ chức giám định độc lập dựa trên đánh giá về hồ sơ năng lực, kinh nghiệm, chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật, hồ sơ pháp lý, đánh giá về kết quả thực hiện để tăng cường trách nhiệm, vai trò của các Tổ chức giám định trong hoạt động giám định xăng dầu; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để bổ sung chỉ định Tổ chức giám định độc lập thực hiện giám định đối với hoạt động giao nhận xăng dầu đường sông, xây dựng cơ chế quản lý hoạt động giám định thông qua hoạt động giám sát thực tế và phân tích số liệu giám định.
Năm là, tăng cường đào tạo cán bộ công nhân viên trên toàn hệ thống liên quan đến nghiệp vụ giao nhận, đo lường, kiểm soát chất lượng, số lượng xăng dầu cũng như pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, Tập đoàn và các Công ty, Tổng Công ty cần tập trung cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động bao gồm các thuyền viên, các cán bộ công nhân viên tại kho/cảng.
Được tổ chức từ ngày 25-28/11/2024, Hội nghị tập huấn công tác giám định và giao nhận xăng dầu đường thủy không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu, trang bị các kỹ năng chuyên môn thiết thực mà còn thể hiện cam kết của Petrolimex luôn ưu tiên đầu tư đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng, số lượng xăng dầu, tiết giảm hao hụt, tiên phong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng trong ngành xăng dầu, phát huy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của CBCNV-NLĐ Petrolimex lập thành tích chào mừng 70 năm thành lập Tập đoàn, góp phần xây dựng đất nước trong “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Nguồn: https://www.petrolimex.com.vn/nd/tin-chuyen-nganh/petrolimex-tap-huan-cong-tac-giam-dinh-va-giao-nhan-xang-dau-duong-thuy.html