(Dân trí) – Tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh đã gây bất ngờ khi giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành tấm Huy chương vàng (HCV) ở nội dung đơn nữ giải vô địch Đông Nam Á 2024.
Cần phải nhấn mạnh rằng tấm HCV nội dung đơn nữ ở giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024 (diễn ra ở Thái Lan từ ngày 19/11 đến 24/11) mà Diệu Khánh mang về cho đội tuyển bóng bàn Việt Nam là một bất ngờ lớn.
Nội dung này được xem là khó nhằn nhất trong 7 nội dung mà thầy trò huấn luyện viên (HLV) Đoàn Kiến Quốc tham dự, gồm đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đơn nam và đơn nữ.
Ngay khi trở về nước, tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh đã dành cho Dân trí một buổi trò chuyện để kể về hành trình đăng quang ngôi vương trên đất Thái Lan vừa qua.
Đầu tiên, xin chúc mừng Diệu Khánh đã giành được tấm HCV danh giá ở giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á 2024. Cảm xúc của bạn lúc này như thế nào?
– Cho đến lúc này tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng như bay trên mây. Đó là thành quả khiến tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, bởi sau những tháng ngày nỗ lực không biết mệt mỏi tôi đã thực hiện được ước mơ vô địch đơn nữ ở giải Đông Nam Á.
Hồi tháng 7 tôi từng lọt vào tới trận chung kết vòng loại Olympic, nhưng khi chỉ còn cách đường đến Olympic Paris 2024 đúng một trận đấu nữa thì tôi lại thất bại. Lúc đó tôi buồn và cảm thấy tiếc nuối lắm. Do đó tấm HCV này là sự động viên tinh thần to lớn, để cho thấy rằng ít nhiều tôi cũng đã trải qua một năm 2024 tương đối thành công.
Nhìn lại hành trình giành được tấm HCV duy nhất cho tuyển bóng bàn Việt Nam ở giải Đông Nam Á vừa qua, rất nhiều người chứng kiến các trận đấu của bạn đều có cảm giác hồi hộp đến nghẹt thở. Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của mình trong hành trình chinh phục ngôi vương?
– Tôi và nhiều đồng đội ở đội tuyển bóng bàn Việt Nam hầu như chỉ thi đấu ở trong nước, nên khi được ra sân ở đấu trường quốc tế đều có chung một cảm giác vừa lo lắng vừa khát khao giành được chiến thắng. Ai cũng có tinh thần vì màu cờ sắc áo nên đều đặt quyết tâm rất cao.
Thế nhưng ngay trong ngày đầu giải đấu, ở nội dung đồng đội nữ, đội chúng tôi đã bị loại ngay từ vòng bảng. Điều làm cả đội cảm thấy day dứt và nuối tiếc là bị loại ở trận đấu sinh tử với đội tuyển Malaysia, mà lại để thua trên thế thắng.
Ở set đấu chung kết (set 5) của ván đấu chung kết (ván 5) với đội tuyển Malaysia, chị Mai Hoàng Mỹ Trang đã dẫn trước đối thủ 10-7 và có lợi thế hơn đối thủ 3 điểm match point (mỗi set đấu môn bóng bàn VĐV nào ghi điểm số 11 trước sẽ chiến thắng, trường hợp hai VĐV có tỷ số 10-10 thì VĐV nào thắng liên tiếp hai quả sau đó sẽ chiến thắng).
Điều bất ngờ là chị Trang vẫn để đối thủ san hòa tỷ số 10-10 và sau đó thắng ngược ở ván đấu mang tính quyết định này. Rõ ràng đội của tôi chỉ thiếu một chút may mắn để chiến thắng và giành quyền vào vòng bán kết, đồng nghĩa cầm chắc một tấm huy chương.
Bị thua sốc từ vòng bảng nội dung đồng đội, nên việc tôi có thể chiến thắng tất cả đối thủ để giành HCV ở nội dung đơn nữ cũng là một điều rất bất ngờ, mà ngay cả tôi cũng không nghĩ rằng mình có thể làm được điều khó tin đến thế.
Trong hành trình giành HCV nội dung đơn nữ của bạn, mọi người theo dõi đều chung nhận định là trận đấu nào của bạn cũng rất kịch tính và khó khăn, cảm giác hồi hộp đến đau tim. Vậy với cá nhân bạn thì bạn thấy đối thủ nào là khó khăn nhất và làm cách nào để bạn chiến thắng đối thủ?
– Đối với tôi thì trận gặp tay vợt Jinnipa Sawettabut của Thái Lan ở vòng tứ kết nội dung đơn nữ là khó khăn nhất, bởi nếu giành được chiến thắng trận này thì chắc chắn sẽ có huy chương.
Xét về mặt thứ hạng trên bảng xếp hạng thế giới thì VĐV của Thái Lan vượt trội hơn tôi nhiều. Jinnipa Sawettabut hiện đang xếp hạng 146 thế giới, có thời điểm bạn ấy xếp hạng 98 thế giới, trong khi vị trí của tôi trên bảng xếp hạng thế giới là 587, kém bạn ấy tới 441 bậc.
Ở trận đấu này tôi chỉ biết cố gắng hết sức, tận dụng từng cơ hội để giành điểm. Đó là trận mà tôi cũng không kỳ vọng mình sẽ giành chiến thắng. Nhưng dường như không bị áp lực về mặt tâm lý nên tôi lại chơi khá tự tin để giành chiến thắng trước tay vợt được đánh giá là ứng cử viên số một cho tấm HCV nội dung đơn nữ.
Còn ở trận bán kết, tôi gặp VĐV Alice Chang của Malaysia. Đó là đối thủ có lối đánh phòng thủ rất bền bỉ, phá sức của đối phương bằng những pha cắt bóng vô cùng khó chịu. Cũng may tôi đã từng gặp bạn ấy ở vòng loại Olympic hồi tháng 7 và tôi cũng đã từng thắng với tỉ số 4-1.
Nên khi bước vào trận đấu này tôi cũng đã biết được lối đánh của bạn ấy, thêm vào việc tôi cùng ban huấn luyện cũng đã dành thời gian nghiên cứu, xem lại các trận đấu của bạn ấy với các đối thủ khác để tìm ra chiến thuật hiệu quả nhất.
Nhờ đó khi bước vào trận đấu, tôi luôn suy nghĩ mình phải kiên trì giành từng điểm số, tuyệt đối không được nôn nóng bởi vì bạn ấy mạnh về phòng thủ, nên việc mình nóng vội sẽ rất dễ dàng mắc lỗi dẫn đến đánh hỏng.
Trong trận đấu, tôi khai thác vào điểm giữa bàn và bên trái của bạn ấy, rồi chờ cơ hội khi bạn ấy mắc lỗi để kết thúc đường bóng giành điểm số cho mình. Phải thừa nhận đó cũng là trận đấu rất khó khăn của tôi khi đăng quang chức vô địch.
Với tấm HCV này, có thể thấy VĐV Việt Nam không thua kém gì các nước Đông Nam Á, dù chúng ta thiệt thòi hơn trong việc được đầu tư, đặc biệt là ít được giao lưu cọ xát thi đấu tại các giải đấu quốc tế. Bạn có đồng ý với quan điểm trên và mơ ước của bạn sau giải đấu này là gì?
– Tôi đồng tình với quan điểm này. Thực tế là tôi và các đồng đội ở đội tuyển bóng bàn Việt Nam có quá ít cơ hội được giao lưu cọ xát tại các giải đấu quốc tế. Ở các giải đấu trong nước thì các VĐV nhóm đầu đều đã không lạ gì nhau, quá quen bóng của nhau rồi.
Vì vậy chúng tôi luôn mơ ước được thi đấu ở các giải đấu quốc tế, được gặp nhiều tình huống mới và đẳng cấp để chúng tôi có thể học hỏi thêm.
Tôi luôn hy vọng mình và các đồng đội ở đội tuyển bóng bàn Việt Nam sẽ được đầu tư nhiều hơn trong năm 2025, được tham dự nhiều giải đấu quốc tế để tích lũy kinh nghiệm, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho mục tiêu giành HCV ở SEA Games năm 2025.
Được biết sau tấm HCV ở giải Đông Nam Á, bạn nhận được rất nhiều phần thưởng quý giá, trong đó có phần thưởng là một chuyến du đấu ở giải WTT (giải bóng bàn chuyên nghiệp thế giới) diễn ra tại Oman vào tháng 1/2025?
– Tôi cảm thấy rất vui khi được nhận phần thưởng thi đấu ở WTT. Đối với các VĐV bóng bàn, được thi đấu ở WTT là một vinh dự mà không dễ ai cũng có được. Một phần là do chi phí thi đấu ở WTT rất tốn kém, bởi riêng các VĐV dự WTT ở khu vực Đông Nam Á thì chi phí cho ăn ở, đi lại đã rơi vào khoảng 2.000 USD (tương đương 50 triệu đồng).
Còn chi phí tham dự ở các nước khác tại châu Á hay châu Âu thì lớn hơn rất nhiều, có thể cả trăm triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa.
Điều đáng nói là thi đấu ở WTT sẽ đánh loại trực tiếp, nên có khi VĐV đánh một trận mà bị thua là về nước luôn. Nếu mất cả trăm triệu đồng mà chỉ để đánh một trận rồi về nước thì không VĐV nào dám bỏ tiền túi ra tham dự nếu như không có các nhà tài trợ.
Ngược lại nhà tài trợ khi đầu tư cho VĐV thì họ cũng phải tin tưởng VĐV của mình có đủ đẳng cấp để cạnh tranh với các VĐV hàng đầu thế giới.
Và điều quan trọng là, được dự WTT đồng nghĩa sẽ được thi đấu với những VĐV hàng đầu thế giới, qua đó mình học hỏi được rất nhiều kỹ thuật, tâm lý, chiến thuật thi đấu. Vì vậy khi nhận được phần thưởng này tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tôi sẽ cố gắng chuẩn bị thật tốt về kĩ thuật và chiến thuật cho bản thân mình ở đấu trường lớn này.
Để có một Nguyễn Khoa Diệu Khánh như ngày hôm nay, hẳn bạn phải theo đuổi, tập luyện bóng bàn từ rất sớm. Bạn có thể chia sẻ cơ duyên nào giúp bạn đến với môn bóng bàn?
– Từ nhỏ, lúc chỉ mới 7 đến 8 tuổi thì bố đã dắt tôi đến các sân để làm quen với môn bóng bàn. Hồi đó bố tôi thấy con gái cũng thích chơi bóng bàn nên cũng thuê thầy dạy. Ban đầu bố tôi cũng chỉ muốn rèn luyện sức khỏe cho tôi vì tôi hồi đó gầy và bé lắm.
Sau đó thầy tôi khen tôi có năng khiếu và khuyên bố tôi nên đầu tư cho con gái trở thành VĐV chuyên nghiệp. Dù vậy mãi tới năm 18 tuổi thì tôi mới chính thức theo đuổi con đường chuyên nghiệp, khá muộn so với các VĐV chuyên nghiệp khác. Tôi cũng tự tin là mình đến với bóng bàn muộn nhưng thành tích thì cũng kha khá vào lúc này.
Bộ sưu tập huy chương của bạn hẳn là “khủng” lắm và đâu là tấm huy chương bạn cảm thấy danh giá và tự hào nhất?
– Cũng không “khủng” như nhiều người nghĩ đâu. Vào năm 2022 thì tôi mới có lần đầu tiên giành HCV ở giải vô địch quốc gia. Nhưng năm đó tôi thâu tóm trọn bộ 4 tấm HCV dành cho nữ, gồm đồng đội nữ, đôi nam nữ, đôi nữ và đơn nữ. Những tấm HCV đó giúp tôi có động lực lớn để chinh phục các mục tiêu tiếp theo.
Năm 2023 tôi chỉ giành Huy chương bạc (HCB) ở giải vô địch quốc gia cũng như giải các đội mạnh quốc gia. Nhưng ở giải các tay vợt xuất sắc nhất năm 2023 thì tôi đã giành được HCV. Năm 2024 thì tôi thi đấu tương đối thành công, giành được HCV ở giải vô địch quốc gia lẫn giải các đội mạnh quốc gia. Riêng giải các tay vợt xuất sắc 2024 thì chưa diễn ra.
Ở môn bóng bàn, bạn có thần tượng tay vợt nào không?
– Là tay vợt nữ nhưng tôi lại thần tượng tay vợt nam Fan Zhendong của Trung Quốc. Không chỉ bởi vì anh ấy từng trải qua thời gian dài giữ ngôi vị số một thế giới mà Fan Zhendong có những kỹ, chiến thuật đỉnh cao khiến tất cả các VĐV bóng bàn của thế giới đều phải ngưỡng mộ.
Anh ấy là tay vợt có lối đánh hai càng (tấn công trái lẫn phải) rất toàn diện, có tốc độ cực cao mà nhiều người yêu mến và gọi là “máy bắn bóng”, đặc biệt tôi rất thích quả giật trái vô cùng hoàn hảo của anh ấy. Tất nhiên tôi thần tượng vì anh ấy còn có vẻ đẹp trai rất cuốn hút nữa.
Một câu hỏi cuối, mục tiêu của bạn trong năm 2025 và xa hơn là gì?
– Tôi đặt mục tiêu tiếp tục bảo vệ thành công HCV ở giải vô địch quốc gia và giải các đội mạnh quốc gia trong năm 2025. Tiếp đó là phải giành được thành tích tốt nhất, cụ thể là HCV ở SEA Games 2025.
Và nếu có thể, tôi mơ ước mình sẽ được tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Được so tài với những VĐV hàng đầu thế giới là giấc mơ của mọi VĐV bóng bàn Việt Nam.
Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Khoa Diệu Khánh sinh năm 1998, quê ở Ninh Thuận. Tay vợt 26 tuổi hiện là VĐV thuộc biên chế của đội tuyển bóng bàn TPHCM.
Diệu Khánh cũng là thành viên đội tuyển bóng bàn Việt Nam các kỳ SEA Games 29 (năm 2017), SEA Games 30 (năm 2019), SEA Games 31 (năm 2021) và SEA Games 32 (năm 2023).
Tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, Diệu Khánh lần đầu giành huy chương đồng nội dung đồng đội nữ.
Năm 2024 được đánh giá là năm thành công của Diệu Khánh khi cô giành HCV giải vô địch quốc gia và giải các đội mạnh quốc gia; lọt vào tới trận chung kết vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á; giành HCV giải vô địch Đông Nam Á năm 2024.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-thao/nguyen-khoa-dieu-khanh-va-hanh-trinh-vo-dich-don-nu-bong-ban-dong-nam-a-20241128011023161.htm