Nguyên nhân của hiện tượng trẻ em chọn bỏ học đồng loạt tại Nhật Bản xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm áp lực học tập, sự cạnh tranh cao và những quy định khắt khe trong môi trường học đường.
Hệ thống giáo dục Nhật Bản vốn nổi tiếng với sự nghiêm khắc và tiêu chuẩn cao, song điều này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Nhật Bản, có khoảng 300.000 học sinh trong độ tuổi từ 7 đến 15 thuộc diện “futoko” – tức học sinh bỏ học. Những em này được ghi danh chính thức tại các trường học, nhưng không tham dự lớp học hoặc tham dự rất hạn chế.
Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm áp lực học tập, sự cạnh tranh cao và những quy định khắt khe trong môi trường học đường. Bên cạnh đó, tình trạng bắt nạt cũng là một lý do quan trọng khiến nhiều trẻ em từ chối tham gia vào hệ thống giáo dục truyền thống. Những học sinh thuộc diện “futoko” thường phải đối mặt với cảm giác bị cô lập, không được hỗ trợ đầy đủ từ nhà trường hay phụ huynh.
Trong một cuộc khảo sát trên 40.000 học sinh ở các cấp tiểu học, THCS và THPT tại các trường công ở tỉnh Tochigi đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về tình trạng bỏ học. Với tỷ lệ phản hồi 72,8%, khảo sát được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 8 thông qua các thiết bị giáo dục.
Khi được hỏi nếu không bị ốm, liệu các em có muốn đến trường hay không, 22,8% học sinh lớp 6, 28,1% học sinh lớp 8 và 37,7% học sinh lớp 11 trả lời “có” hoặc “đôi khi”. Trong số này, lần lượt 6,2%, 8,6% và 10% thực sự nghỉ học. Lý do phổ biến nhất ở học sinh tiểu học và THCS là “mối quan hệ với bạn bè”, chiếm gần 40%. Đối với học sinh tiểu học, 30% nêu tình trạng thể chất kém, trong khi con số này ở THCS là 10%.
Đáng chú ý, khi muốn bỏ học, 36,2% học sinh lớp 6, 45,1% học sinh THCS và 48,4% học sinh THPT không tham khảo ý kiến ai. Những lý do chính bao gồm: “Không biết nói gì và nói như thế nào”, “Lo ngại sẽ làm phiền người khác” và “Lo sợ phản ứng từ người được chia sẻ”. Khoảng 20% học sinh tiểu học và THCS cho biết không có ai để trò chuyện.
Bên cạnh khảo sát học sinh, Sở Giáo dục tỉnh Tochigi cũng tiến hành khảo sát với 2.001 phụ huynh, trong đó có 1.009 người có con đã nghỉ học hơn một tháng.
Kết quả cho thấy, lý do phổ biến nhất khiến học sinh tiểu học nghỉ học là “mối quan hệ với giáo viên” (45,8%), trong khi ở học sinh THCS là “không khí ở trường hoặc trong lớp” (42,5%). Đối với học sinh THPT, “tình trạng thể chất kém” là nguyên nhân chính, ở mức 41,7%.
Giải pháp trường học tự do
Trong bối cảnh đó, các trường học tự do – hay còn gọi là “free schools” – đã nổi lên như một giải pháp thay thế. Kể từ năm 2016, số lượng trường học tự do tại Nhật Bản đã tăng gấp đôi, đạt con số 800. Đây là những cơ sở giáo dục không tuân theo chương trình giảng dạy truyền thống, mà tập trung vào sự phát triển cá nhân và sức khỏe tinh thần của trẻ. Những trường này dù chất lượng và chi phí có sự khác biệt, nhưng đều hướng đến mục tiêu tạo ra một môi trường học tập linh hoạt và không áp lực.
Một trong những ví dụ tiêu biểu cho mô hình trường học tự do là trường Mamenoki, được thành lập vào năm 2016 bởi anh Gen Nishimura và chị Anna Lodico tại làng Tarumi. Với khoảng 50 học sinh, Mamenoki đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho nhiều trẻ em không thể hòa nhập với môi trường giáo dục truyền thống.
Trường không có lớp học cố định, không chấm điểm hay áp dụng hình thức đánh giá tiêu cực. Tại đây, học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thực tế như nấu ăn, làm vườn, chơi nhạc cụ và tổ chức các dự án theo ý tưởng của chính mình. Những hoạt động này không chỉ giúp các em học hỏi kỹ năng sống, mà còn phát triển sự tự tin và khả năng tự chủ.
Bà mẹ của bé Kazuki, một học sinh 12 tuổi từng rất lo lắng khi chuẩn bị vào trung học, chia sẻ rằng sau khi tham gia hai ngày trải nghiệm tại Mamenoki, con trai chị đã tìm thấy niềm vui và sự thoải mái. Một bà mẹ khác đến từ Kyoto cũng bày tỏ sự hài lòng khi thấy con trai 6 tuổi của mình không còn bị coi thường hay cô lập như ở trường học cũ.
Với mức học phí 200 USD mỗi tháng và giảm còn 100 USD cho các bà mẹ đơn thân, Mamenoki không chỉ thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh mà còn dần nhận được sự công nhận từ chính quyền địa phương. Thành phố Sasayama đã chính thức công nhận việc theo học tại Mamenoki là một hình thức tham dự trường học hợp pháp. Hơn nữa, nhà trường còn được hỗ trợ tài chính từ thành phố, tạo điều kiện để mô hình giáo dục này phát triển mạnh mẽ hơn.
Sự xuất hiện của các trường học tự do như Mamenoki không chỉ giúp giải quyết vấn đề trẻ em bỏ học mà còn mang lại hy vọng về một nền giáo dục cân bằng và nhân văn hơn. Những ngôi trường này cho thấy rằng không phải mọi trẻ em đều phù hợp với môi trường học đường truyền thống, và việc cung cấp các lựa chọn thay thế linh hoạt là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh.
Nguồn: https://danviet.vn/tre-em-nhat-ban-chon-bo-hoc-va-giai-phap-tinh-the-cap-bach-20241127224303715.htm