Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, hoạt động của HĐND huyện Bình Lục có nhiều đổi mới và nâng lên về chất lượng. Trong đó, hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề đã được chú trọng. Thực tế, hoạt động giám sát của Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND huyện đã có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đặc biệt là các cuộc giám sát chuyên đề trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trong quá trình triển khai, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các chính sách an sinh xã hội, Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND huyện đã tổ chức triển khai giám sát chuyên đề về các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội và giảm nghèo… Qua đó đã góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội cho người lao động, người già, ốm đau bệnh tật và có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, hằng năm, Thường trực, các ban HĐND huyện tổ chức giám sát từ 5 đến 10 chuyên đề, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cử tri và đại biểu HĐND quan tâm. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị khác trong toàn tỉnh, huyện luôn quan tâm, chăm lo nâng cao cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo sự công bằng trong xã hội.
Trong 2 năm (2021, 2022), Thường trực HĐND huyện đã thực hiện và chỉ đạo 2 ban tổ chức giám sát theo nghị quyết HĐND đã thông qua. Năm 2021, Ban Kinh tế HĐND huyện giám sát hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện đối với 2 đơn vị (xã Bồ Đề và xã An Ninh). Năm 2022, giám sát công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với 2 đơn vị (Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, xã Tiêu Động).
Qua giám sát cho thấy: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2023 ước giảm còn 3,62%; vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây mới 22 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn về nhà ở với kinh phí là 780 triệu đồng. Triển khai Đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021- 2025”. Trong 2 năm (2021, 2022) và ước 2 tháng đầu năm 2023 đã đào tạo nghề cho 6.245 lao động, kinh phí hỗ trợ là 14.522.200.000 đồng; tạo việc làm mới cho 8.086 lao động (trong đó xuất khẩu là 247 lao động); giải quyết việc làm thêm cho 6.917 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt 67,3% đạt 95,7% chỉ tiêu đại hội.
Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng được triển khai kịp thời. Từ năm 2021 đến hết tháng 2/2023, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 73.363 lượt đối tượng chính sách nhân các ngày lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước với tổng số tiền là 31.857.810.000 đồng và 21.110 tấn gạo; tập trung đầu tư hỗ trợ kinh phí nâng cấp sửa chữa nghĩa trang liệt sỹ của 5 xã và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện với kinh phí 3.697.000.000 đồng. Trích quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa 07 nhà ở không an toàn cho người có công với tổng kinh phí là 280.000.000 đồng. Cấp thẻ BHYT người nghèo, người cận nghèo năm 2022 cho 4.733 đối tượng (trong đó, thẻ BHYT người nghèo: 2.163 thẻ; BHYT cận nghèo: 2.570 thẻ); tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT; đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện đạt 93%.
Cùng với đó, huyện đã quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa – thể thao và các khu vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% các thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng với đầy đủ các trang thiết bị trong nhà văn hóa và hệ thống luyện tập TDTT ngoài trời; có 205 câu lạc bộ thể thao, 78 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ đã tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Công tác giáo dục đào tạo được quan tâm, cơ sở vật chất trường học được đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được đẩy mạnh, các cơ sở y tế tuyến xã, Trung tâm y tế huyện được trang bị đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện.
Kết thúc mỗi đợt giám sát, các đoàn giám sát đều có báo cáo kết quả giám sát gửi đến UBND huyện và các đơn vị chịu sự giám sát, các cơ quan liên quan. Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, qua đó có các kiến nghị cụ thể, xác đáng đối với UBND và cơ quan được giám sát khắc phục hạn chế nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND về thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tạo sự công bằng trong xã hội.
Tuy nhiên, việc giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND huyện về thực hiện chính sách an sinh xã hội chưa được nhiều do quá trình thực hiện liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Qua giám sát cũng cho thấy trong triển khai các chính sách an sinh xã hội còn bộc lộ một số hạn chế. Một số chính sách ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế. Việc khắc phục những tồn tại, hạn chế chỉ ra sau giám sát đa số đã được các đơn vị quan tâm, nhưng vẫn còn có những việc giải quyết vẫn chậm chễ, thậm chí có một số kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa giải quyết được.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề nói chung của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND huyện, đặc biệt là giám sát trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thời gian tới, Bình Lục tập trung tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND, đặc biệt là quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ có năng lực, bảo đảm các chức danh trong HĐND tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Tăng số lượng cấp ủy viên cùng cấp trong thường trực và các ban HĐND. Tích cực đổi mới hình thức, phương thức giám sát theo hướng chất lượng, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội toàn diện của địa phương… Đồng thời, để bảo đảm việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương, huyện đề xuất tỉnh, các sở, ngành có liên quan của tỉnh xem xét cấp bổ sung kinh phí xây nhà ở cho người có công (theo đề án phê duyệt) đã thực hiện chuyển đổi từ sửa chữa sang xây dựng mới để bảo đảm tiến độ.
Thu Thảo