Nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Đối với lĩnh vực này, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận điểm du lịch tiêu biểu của vùng.
ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Toàn tỉnh có 10 điểm được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu. Trên cơ sở phát huy lợi thế hệ thống sông ngòi, kênh rạch có những nét độc đáo riêng về cảnh quan, môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai để hình thành các sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn với điểm đến là các làng quê gắn kết với các điểm du lịch làng nghề truyền thống như đan đát, nghề rèn, dệt chiếu… Bên cạnh đó, tổ chức các dịch vụ tham quan, trình diễn nghề thủ công, bán hàng lưu niệm, tìm hiểu về nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của tỉnh. Đây là những sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách những trải nghiệm độc đáo, kết hợp với ẩm thực truyền thống của địa phương. Ngoài ra, du khách có thể tham quan các di tích chùa Khmer gắn liền với hoạt động đua ghe Ngo của đồng bào Khmer; hay tham quan các di tích lịch sử – văn hóa gắn liền với vùng đất, con người Bạc Liêu; thưởng thức đờn ca tài tử…
Phát triển du lịch gắn với các ngành nghề truyền thống cũng là thế mạnh của Bạc Liêu. Trong đó, nghề sản xuất muối truyền thống ở huyện Hòa Bình và Đông Hải có tiềm năng rất lớn. Với quá trình lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất và người Bạc Liêu như một phần hương vị không thể thiếu. Với sự độc đáo trong cách làm muối và truyền nghề nên Nghề làm muối Bạc Liêu được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại các làng nghề làm muối để quảng bá và tiêu thụ muối, kết hợp các yếu tố tâm linh, lễ hội văn hóa tại địa phương để thu hút du khách. Đồng thời, vận động các nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư du lịch xây dựng hạ tầng phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, sản phẩm lưu niệm, phương tiện vận chuyển du khách, đường giao thông… Hỗ trợ trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm muối, sản phẩm chế biến từ muối ở các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trong các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, các mô hình du lịch sinh thái biển, rừng ngập mặn kết hợp với trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân cũng là xu thế của du lịch cộng đồng hiện nay. Điển hình như Hợp tác xã Đồng Tiến (huyện Hòa Bình) cho du khách đi tàu ra biển tham quan cảnh đẹp của điện gió, trải nghiệm bắt nghêu trên bãi biển và thưởng thức các loại hải sản tươi sống. Đây là sản phẩm du lịch nông thôn rất đặc trưng của tỉnh, kết hợp tua tuyến để tạo nên sản phẩm du lịch biển độc đáo. Đồng thời, kết hợp với các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang xây dựng cụm du lịch rừng ngập mặn của khu vực Bán đảo Cà Mau.
Một điểm du lịch sinh thái ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA
Về các giải pháp phát triển du lịch nông thôn, ông Ngô Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Do nằm ở vị trí xa các trung tâm phát triển du lịch như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, nếu so sánh với một số tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì muốn giữ chân khách lưu trú dài ngày, Bạc Liêu cần tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng chỉ khi đến vùng đất này thì du khách mới có được. Đồng thời kết hợp với các tỉnh, thành và các công ty lữ hành xây dựng các tua tuyến du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Phát triển du lịch nông thôn cần xác định được đối tượng du khách là những cư dân sinh sống ở các đô thị. Quan trọng là các sản phẩm du lịch mà du khách hướng đến.
Ngoài ra, cần phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm thực tế cho đối tượng là học sinh – sinh viên các cấp. Ngành Du lịch và ngành Giáo dục cần ngồi lại để có kế hoạch phát triển phù hợp và hiệu quả.
Xã hội hóa trong phát triển du lịch cũng là giải pháp vô cùng quan trọng, cụ thể là kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do đó, cần có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ và cơ chế mở để thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển du lịch. Ngành Du lịch cần tập huấn kỹ năng cho người dân tại các điểm du lịch, các cơ sở, dịch vụ du lịch về những kỹ năng cơ bản để giữ chân khách du lịch khi đến Bạc Liêu…
Minh Đạt