Chấp nhận án cấm từ Liên đoàn Billiards carom thế giới
Ngày 26.11, Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã đưa ra thông báo về việc cô sẽ chuyển sang thi đấu cho PBA tại Hàn Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nữ cơ thủ sinh năm 1999 không còn là hội viên của VBSF. Được biết, VBSF là thành viên của Liên đoàn Billiards carom thế giới (UMB), trong khi PBA ra đời sau và được xem là tổ chức đối lập với UMB.
Yến Nhi cũng cho biết, cô chấp nhận án phạt từ UMB khi quyết định sang thi đấu ở PBA. Tay cơ người Đà Nẵng sẽ không được tham dự các giải đấu thuộc hệ thống của UMB, hoặc do các thành viên của UMB tổ chức (ví dụ như giải vô địch quốc gia Việt Nam).
Chia sẻ với Thanh Niên, Yến Nhi tiết lộ cô sẽ bay sang Hàn Quốc vào ngày 28.11 và bắt đầu ra sân thi đấu từ ngày 1.12. “Từ nay cho đến hết năm 2024 chỉ còn 2 chặng đấu. Trước mắt, tôi sẽ thử sức ở 2 chặng đấu này. Hiện tại, tôi chỉ mới ký hợp đồng tham gia thi đấu tại PBA, chứ chưa ký hợp đồng có thời hạn chính thức với PBA. Tôi sẽ có những đánh giá về sự phù hợp của môi trường PBA với bản thân, cũng như các yếu tố khác… rồi sau đó mới đưa ra quyết định tiếp theo”, nữ cơ thủ 25 tuổi nói.
Yến Nhi là nữ cơ thủ thứ 2 của Việt Nam xuất hiện tại giải đấu của Hàn Quốc, sau Nguyễn Lê Liên Quỳnh (thi đấu không thành công). Còn đối với billiards carom 3 băng Việt Nam nói chung, nhiều cơ thủ nam đã khẳng định được bản thân ở PBA như Mã Minh Cẩm, Ngô Đình Nại, Nguyễn Quốc Nguyện, Nguyễn Huỳnh Phương Linh.
Nhiều cơ hội cọ xát hơn
Tại xứ sở kim chi, Nguyễn Hoàng Yến Nhi sẽ có nhiều cơ hội để thi đấu hơn. Nữ cơ thủ người Đà Nẵng sẽ tranh tài tại LPBA (thuộc PBA, với nhiều chặng đấu dành riêng cho cơ thủ nữ), nơi có nhiều cơ thủ nữ mạnh của thế giới. Đây cũng là lý do lớn nhất khiến Yến Nhi chọn sang Hàn Quốc thi đấu. Nữ cơ thủ sinh năm 1999 bày tỏ: “Tại Việt Nam có quá ít giải đấu billiards carom 3 băng dành cho nữ. Còn ở hệ thống của UMB, năm 2025 cũng không có giải đấu nào dành cho nữ. Giải vô địch thế giới nữ đã thay đổi, chuyển sang tổ chức 2 năm/lần. Tôi nghĩ rằng nếu ở lại UMB thì trong năm 2025 sẽ không có cơ hội cọ xát”.
“Theo tôi, các cơ thủ thi đấu ở UMB hay PBA đều rất mạnh. Tuy nhiên, PBA có nhiều chặng, nên cơ thủ sẽ có nhiều cơ hội để thi đấu hơn. Tại PBA, có 9 đến 10 chặng đấu dành cho nữ trong 1 năm. Do đó, nếu thua chặng này thì cũng còn cơ hội ở chặng sau, cơ thủ sẽ đỡ áp lực hơn. Bên cạnh đó, khi các chặng đấu được diễn ra liên tục, tôi sẽ có nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi được nhiều thứ và tích lũy được kinh nghiệm thi đấu cho bản thân”, Yến Nhi nói thêm.
Thể thức thi đấu chính là nét đặc trưng để phân biệt giữa UMB và PBA. Ở UMB, các cơ thủ sẽ thi đấu một trận dài để phân định thắng thua. Còn tại PBA, trận đấu gồm nhiều ván, mỗi ván thường đánh chạm 11 điểm (đối với nữ). Về thể thức thi đấu, Yến Nhi nhận định: “Thể thức thi đấu của PBA khác hoàn toàn với UMB. Việc mình dẫn trước hoặc bị dẫn trước trong một trận đấu không thể nói lên được điều gì, khi chỉ cần một lượt cơ là đủ để lật ngược tình thế. Với thể thức thi đấu như vậy, khả năng tạo bất ngờ là rất lớn, và những cơ thủ cửa dưới như em cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/yen-nhi-noi-gi-khi-bat-ngo-roi-lien-doan-billiards-viet-nam-gia-nhap-pba-185241127125800252.htm