Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh gieo cấy hơn 9.885ha lúa. Hiện nay các trà lúa đang bước vào các giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, ôm đòng và trổ bông. Trong đó, lúa trà sớm đang ở giai đoạn ôm đòng và trổ bông, trà chính vụ làm đòng, trà muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh và đứng cái. Tuy nhiên, trong những ngày qua, do thời tiết mưa nắng diễn biến thất thường, đan xen, là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh bùng phát. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, hiện nay nhiều diện tích lúa đã xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại trên các trà lúa, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông.
Điển hình tại huyện Điện Biên đến ngày 2/5 có hơn hơn 1.511ha trong tổng số 4.200ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh gây hại. Trong đó, gần 100ha bị bệnh đạo ôn cổ bông chủ yếu ở các xã Thanh Xương, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng…; hơn 385ha lúa bị nhiễm tập đoàn rầy; hơn 424ha bị nhiễm bệnh khô vằn… Đa số diện tích bị hại đã được người dân phun phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuy nhiên vẫn còn hiện tượng bệnh đạo ôn cổ bông cháy theo chòm, ổ, do người dân chưa chú trọng phun trừ hoặc phun trừ không đúng kỹ thuật.
Theo khuyến cáo từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên, hiện nay lúa trà sớm đang giai đoạn trổ bông, phơi màu, trà chính vụ đang giai đoạn đòng già, trổ bông. Đây là giai đoạn mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh và sinh vật gây hại. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sinh vật gây hại gây ra, người dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tiết nước hợp lý, nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển, kịp thời phát hiện sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ; nhất là phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm (séng cù, hana 112, bắc thơm 7, đài thơm 8…) và diện tích bị bệnh đạo ôn lá (tai lá) nặng.
Ngoài ra, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có diện tích lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh với tỷ lệ từ nhẹ đến cao và cục bộ. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng từ ngày 26/4 – 2/5, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha lúa bị nhiễm các loại sâu bệnh. Trong đó, có hơn 648ha lúa bị nhiễm bệnh bạc lá, gây hại tỷ lệ phổ biến 2 – 15%, cao 50%, cục bộ 80%; gần 495ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ phổ biến 10%, cao 60%; gần 320ha lúa bị chuột phá hoại; gần 200ha lúa nhiễm tập đoàn rầy, phổ biến mật độ 100 – 350 con/m2, nơi cao 4.000 con/m2, cục bộ 10.000 con/m2… Ngoài ra, bệnh thối thân, ruồi đục nõn, nghẹt rễ, đốm nâu, lem lép hạt… gây hại nhẹ đến trung bình. Các giống lúa bị nhiễm sâu bệnh nặng chủ yếu là séng cù, nếp tan, hana, đài thơm, bắc thơm… tập trung chủ yếu tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Mường Nhé, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ.
Để phòng, trừ kịp thời sâu bệnh hại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác điều tra, kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, từ đó hướng dẫn người dân sử dụng đúng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phòng trừ khi bệnh mới phát sinh. Nhờ vậy, công tác phòng trừ được thực hiện một cách tập trung, đồng bộ, tạo được hiệu quả cao trên đồng ruộng. Toàn tỉnh đã phun phòng trừ được 200ha bệnh đạo ôn lá, tai lá; phun gần 130ha bệnh bạc lá; hơn 260ha diện tích bị nhiễm bệnh khô vằn và hơn 1.200ha diện tích nhiễm tập đoàn rầy được phun phòng trừ… và một số loại bệnh khác.
Diện tích lúa bị nhiễm bệnh, hầu hết vẫn là các bệnh thông thường, không gây mất trắng mà chỉ ảnh hưởng đến năng suất, nhưng người dân không nên chủ quan, cần thường xuyên theo dõi diễn biến của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, cần đề phòng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn liên quan tăng cường chỉ đạo cán bộ thường xuyên thực hiện công tác điều tra, phát hiện dịch hại trên đồng ruộng; nắm chắc diễn biến của từng đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Đặc biệt lưu ý các vùng ổ dịch, vùng trọng điểm, vùng thâm canh cao, các giống nhiễm. Khi mật độ (tỷ lệ) dịch hại cao, cần hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, khuyến cáo các địa phương và người dân thường xuyên thăm đồng xác định vùng có nguy cơ cao để khoanh vùng, tiến hành phun phòng đạo ôn cổ bông. Đồng thời với những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, cần khoanh vùng xử lý kịp thời, dừng bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ, hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, người dân cần thực hiện tốt chế độ chăm sóc, bón phân đón đòng đúng thời điểm, điều tiết nước hợp lý; tiếp tục xử lý kịp thời, triệt để đối với các loại bệnh hại khi mới xuất hiện; đối với chòm ổ bị hại với tỷ lệ cao, cần tác động thêm các biện pháp cơ giới vật lý như ngắt bỏ bớt các lá bị bệnh, tiêu hủy trước khi phun để đạt hiệu quả cao.