Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường và tăng thuế một số mặt hàng khác, nhưng cần làm rõ đối tượng, có lộ trình đánh thuế phù hợp.
Chiều 27-11, tại phiên thảo luận ở hội trường về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội.
Bổ sung diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng cần làm rõ đối tượng
Nhất trí bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng đây là một biện pháp định hướng hành vi tiêu dùng, hạn chế lạm dụng chất có đường gây hại cho sức khỏe.
Tuy vậy, bà Thúy cho rằng luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường. Cũng bởi, đề xuất áp thuế này có thể có tác dụng ngược, khiến người tiêu dùng hiểu lầm chỉ nước giải khát có đường không được khuyến khích sử dụng, trong khi còn nhiều đồ uống khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng thống nhất việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng tiêu dùng. Từ đó mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Việc áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% sẽ làm quy mô sản xuất bị thu hẹp, không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành, từ đó tác động tới toàn nền kinh tế.
“Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này. Thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách. Vì vậy, việc bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt. Các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng” – đại biểu Mẫn nói.
Lo nước dừa cũng bị đánh thuế
Dẫn ra báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính về tỉ lệ tiêu thụ nước giải khát, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho hay từ năm 2013 đến 2020, mức tăng bình quân là 3,2 lít/người/năm. Riêng năm 2021 tỉ lệ này còn giảm gấp 5 lần tỉ lệ tăng trong bình quân 7 năm mặc dù chưa áp thuế.
Trong khi đó, báo cáo cũng chưa đánh giá tác động tiêu thụ nước giải khát có đường ở người bị béo phì, thừa cân, hay hàm lượng đường cao hơn 5g/100ml được người béo phì tiêu thụ mỗi năm.
Bà dẫn chứng nước dừa đóng hộp, không cần thêm đường, nước dừa tự nhiên đã có lượng đường tương đương 6-7g/100ml. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn Việt Nam thì nước trái cây nói chung và nước dừa đóng hộp có thể được liệt vào nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đây là nước uống tốt cho sức khỏe.
Việc đánh thuế như vậy không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau COVID-19, mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa của tỉnh Bến Tre và nhiều tỉnh. Từ đó gây thất thu ngân sách của các địa phương có trồng dừa, thậm chí trung ương phải hỗ trợ ngân sách để khắc phục thiên tai do mất cây dừa.
Giải trình các vấn đề này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc đánh thuế nước giải khát có đường là phù hợp thông lệ quốc tế. Việc áp thuế với nước giải khát có đường trong khi không đánh thuế với chất đường rắn, theo ông Phớc, là do Tổ chức Y tế thế giới cùng nhiều tổ chức y tế khác đánh giá, loại nước giải khát có đường dạng lỏng hấp thụ vào gan nhanh, gây ra bệnh tiểu đường. Còn đường thể rắn dung nạp và tác dụng chậm hơn, nên việc kiểm soát và ngăn ngừa tốt hơn. Vì vậy đây là lý do đánh thuế với nước giải khát có đường.
“Đại biểu lo nước dừa, sữa, sản phẩm từ sữa, sản phẩm lỏng có lợi, nước hoa quả nguyên chất, ca cao… những loại này không phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt” – ông Phớc khẳng định khi xây dựng nghị định hướng dẫn luật, sẽ quy định cụ thể các loại nước giải khát không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cần đánh thuế rượu, bia và thuốc lá với lộ trình phù hợp
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết thuốc lá và rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Chính vì vậy cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này nhưng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi.
Còn đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cần đánh giá tác động, suy tính về việc ra quyết định áp dụng và cần lộ trình điều chỉnh thuế suất hợp lý để đủ sức điều tiết tiêu dùng mà không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống việc làm của người lao động.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lo-nuoc-dua-cung-bi-danh-thue-pho-thu-tuong-tran-an-20241127174600481.htm