Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng ở tuổi 78, câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo này có tiếp tục sử dụng golf như một công cụ ngoại giao giống nhiệm kỳ đầu hay không?
Ông Trump có thể dùng ngoại giao golf để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ tới. (Nguồn: Getty) |
Golf là một môn thể thao quý tộc có nguồn gốc từ hoàng gia Scotland vào thế kỷ XVI và đã được phát triển qua nhiều thế kỷ. Không chỉ đơn giản là trò tiêu khiển của các hoàng tử, quý tộc trong quá khứ, golf đã trở thành công cụ ngoại giao giữa các nhà lãnh đạo thế giới vào giữa thế kỷ XX.
Các tài liệu lịch sử ghi nhận Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower (giai đoạn năm 1953-1961) là người tiên phong trong ngoại giao golf. Ông Eisenhower nổi tiếng khi tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với các nhà lãnh đạo phương Tây và Arab, bao gồm Thủ tướng Anh Winston Churchill, Quốc vương Saudi Arabia Saud bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Australia Robert Menzies, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke. Những cuộc gặp gỡ trên sân golf thường mang lại kết quả ngoại giao hữu hình và giúp củng cố các liên minh.
Các tổng thống Mỹ sau này cũng tận dụng bộ môn thể thao golf để xây dựng các mối quan hệ. Ví dụ, Tổng thống Barack Obama đã có các cuộc thảo luận với nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong các chuyến đi chơi golf, hay Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (2017–2021), đã coi golf không chỉ là niềm đam mê cá nhân mà còn là nền tảng cho các tương tác chính trị và ngoại giao. Ông đã gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách trong nước, các thành viên Quốc hội và nhân vật quốc tế như Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hay Thủ tướng Australia Scott Morrison trên sân golf.
Một kết quả đáng chú ý của các trận đấu golf này là việc củng cố quan hệ Mỹ-Nhật Bản. Các ván đấu golf của ông Trump với ông Abe tượng trưng cho một chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Giờ đây, khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng ở tuổi 78, một số câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo này có tiếp tục sử dụng golf như một công cụ ngoại giao hay không? Ông có còn năng lượng và nhiệt huyết cho ngoại giao golf hay không? Và quan trọng hơn, liệu ông có thể thông qua môn thể thao này để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại của mình hay không?
Nhân tố mới trên sân golf
Trong trường hợp ông Trump tiếp tục sử dụng ngoại giao golf, một trong những điều người ta quan tâm là ông sẽ thu hút những nhân vật mới nào đến với sân chơi golf của mình.
Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump đã đưa các đồng minh truyền thống của Mỹ đến với sân chơi này. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi kể từ đó, nên liệu ông có mở rộng lời mời của mình tới các đối tác phi truyền thống, chẳng hạn như Taliban không?
Đây không phải là một kịch bản xa vời. Sau khi ký Thỏa thuận Doha với Taliban vào ngày 29/2/2020, ông Trump đã bày tỏ sự cởi mở khi mời các lãnh đạo của lực lượng này đến Trại David. Mặc dù ý tưởng này vấp phải sự chỉ trích, nhưng nó nhấn mạnh cách tiếp cận ngoại giao không chính thống của ông Trump. Không thể loại trừ khả năng ông sẽ tiếp đón các đại diện của Taliban tại một sân golf hoặc một địa điểm khác nếu ông thấy tiềm năng thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Mỹ.
Lịch sử chính quyền Tổng thống Trump cho thấy xu hướng đưa ra các quyết định khó đoán thay vì tuân thủ một chính sách đối ngoại có cấu trúc. Sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông có thể cân nhắc ý tưởng sử dụng ngoại giao golf để xử lý quan hệ với Afghanistan, đặc biệt là khi xét đến tầm quan trọng chiến lược lâu dài của khu vực này.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump thường hành động theo bản năng, ít dựa vào các chuẩn mực ngoại giao truyền thống và có xu hướng xử lý các vấn đề theo khả năng đàm phán cá nhân của mình. Phong cách phi truyền thống này khiến người ta hình dung rằng ông có thể xoay trục giữa các lựa chọn, từ việc đối thoại với Taliban đến tái khẳng định ảnh hưởng của Mỹ tại Afghanistan thông qua các phương thức khác nhau.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và ông Donald Trump chơi golf tại Palm Beach, bang Florida, Mỹ, ngày 18/4/2018. (Nguồn: Nikkei) |
Chờ đợi “sự hồi sinh”
Mặc dù vậy, khuynh hướng có phần khoa trương và sự gây chú ý của ông Trump có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực sử dụng ngoại giao golf hiệu quả.
Không giống như các liên minh truyền thống tương đối cơ bản của thời Tổng thống Eisenhower, bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay đầy rẫy phức tạp. Việc thu hút các đối tác mới, chẳng hạn như Taliban, không chỉ gây tranh cãi về mặt ngoại giao mà còn có nhiều thách thức về mặt hậu cần. Mặt khác, các lãnh đạo của Taliban không quen chơi golf nên có thể sẽ không chấp nhận những lời đề nghị như vậy.
Hơn nữa, trong nhiệm kỳ tới, người ta cũng quan tâm liệu ông Trump có ưu tiên các động thái tượng trưng hơn chính sách thực chất hay không và liệu ngoại giao golf của ông có thể mang lại kết quả hữu hình hay chỉ đóng vai trò đơn giản như một thú vui?
Mặc dù xu hướng lãnh đạo của ông Trump thường khó có thể nắm bắt, nhưng việc tỷ phú Mỹ dựa vào sức hút cá nhân và các phương pháp phi truyền thống khiến chúng ta mong đợi được chứng kiến sự hồi sinh của ngoại giao golf. Còn đối tượng của ngoại giao golf sẽ liên quan đến các đồng minh truyền thống hay những “người chơi mới” (như Taliban) thì vẫn là ẩn số.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là khi trở lại Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của ông Trump có thể sẽ tiếp tục “màu sắc” đặc trưng bởi những động thái táo bạo, khó lường. Và ngoại giao golf có đóng vai trò nổi bật trong chiến lược này hay không, hay liệu nó có hiệu quả trong bối cảnh địa chính trị hiện nay hay không, thì vẫn còn phải chờ xem.
Nguồn: https://baoquocte.vn/lieu-ong-trump-co-tai-xuat-voi-ngoai-giao-golf-294596.html