“Sửa Luật Việc làm, lấy người lao động, việc làm là trọng tâm của tăng NSLĐ bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Bày tỏ sự cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để góp ý về Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cầu thị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan sẽ phối hợp tiếp tục bổ sung, làm rõ để trình kỳ họp sau.
Sửa luật Việc làm, lấy người lao động và việc làm là trọng tâm
Giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật và chính sách.
Đặc biệt là các chế định về kinh tế, đầu tư, tín dụng, thuế, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các quy định pháp luật về giáo dục, bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, tiền lương, v.v..
Nhất là trong bối cảnh các xu thế mới, nhất là việc làm xanh, việc làm số và tác động của trí tuệ nhân tạo, việc chuyển đổi năng lượng thích ứng già hóa dân số đã và đang tác động rất đa dạng, làm thay đổi, biến động, theo Bộ trưởng, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới.
Từ đó, đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý với mục tiêu thúc đẩy xây dựng một thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao cũng như năng suất lao động cao hơn.
“Đây là vấn đề trọng tâm trong luật. Sửa đổi luật lần này, chúng ta đã đặt vấn đề và nhìn nhận một cách nghiêm túc về lao động Việt Nam đang chịu thách thức gì, khó khăn gì và yếu kém gì”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Để mình chứng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu, Luật Việc làm 10 năm qua đã có nhiều quy định không còn phù hợp, và đang thiếu cơ chế để phát huy đa nguồn lực xã hội, không theo kịp xu thế và thiếu các cơ chế để thúc đẩy giải quyết việc làm…
Nội dung Luật trên cơ sở dự thảo cộng với góp ý của các đại biểu Quốc hội, ông Dung nhấn mạnh, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ hơn thể chế, góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra một khung khổ pháp lý để tạo việc làm đầy đủ, chất lượng và năng suất lao động cao.
Để tạo việc làm đầy đủ và chất lượng, cần tập trung vào những vấn đề có tính chất nguyên tắc, vấn đề gốc, đó là phải thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội để giải quyết gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, cải thiện hệ thống dịch vụ công về việc làm.
Song song, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, kiên quyết xóa bỏ rào cản thể chế bất bình đẳng trong việc làm, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm và việc làm chất lượng cao.
“Trong đó, Nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc của mình và kích hoạt các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm và phúc lợi xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Hoàn thiện thị trường lao động toàn diện, thích ứng và bền vững
Về năng suất lao động, trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng, khó lường như hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đòi hỏi phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu cũng như sự tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học, công nghệ.
“Điều này vừa là tận dụng lợi thế nhưng cũng phải phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro, thách thức. Một mặt vừa giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động nhưng cũng hạn chế các tác động tiêu cực của các yếu tố này vào việc làm, lao động và năng suất lao động”, theo ông Dung.
Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra, Việt Nam phụ thuộc vào 4 yếu tố cơ bản: Một là, mức độ thay đổi và loại hình công nghệ chúng ta sẽ thay đổi; Hai là, trình độ, kỹ năng lao động; Ba là, chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động;
Bốn là, theo nghiên cứu và dự báo của các nhà khoa học đối với Việt Nam, các yếu tố đổi mới, sáng tạo, gia tăng phát minh, sáng kế, nhất là với quốc gia đang phát triển.
Ông phân tích thêm, với năng suất lao động Việt Nam thì việc tác động của trí tuệ nhân tạo, nhất là việc tiếp xúc với AI sẽ chiếm lần lượt là 40 và 26%, số việc làm sẽ bị đe dọa của chúng ta khoảng 14%, số việc làm có nguy cơ thay đổi khoảng 32%.
Xây dựng khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng
“Trong bối cảnh đó chắc chắn sẽ gia tăng hệ số Gini và phân hóa giàu – nghèo”, ông Dung nói và cho rằng, bối cảnh đó khó có thể chi tiết hóa tất cả các chính sách để quy định khung chính sách ở trong luật Việc làm sửa đổi, mà đòi hỏi chỉ xây dựng được khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng trong từng thời gian, tính bền vững của luật như vậy.
Theo đó, tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: Mở cửa tiếp cận kỹ năng cho tất cả mọi người, nhất là tiếp cận rộng rãi về giáo dục, đào tạo, học suốt đời, tư vấn, đào tạo kỹ năng thích ứng trong nghề nghiệp;
Hoàn thiện thị trường lao động toàn diện, thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn, phi chính thức trên thị trường lao động;
Đi cùng đó, là cải thiện chất lượng việc làm, thúc đẩy gia tăng sự năng động của doanh nghiệp, sự lan tỏa của công nghệ, hạn chế tác động mặt trái thị trường.
Nhìn nhận, trong bối cảnh tốc độ năng suất lao động của thế giới hiện nay đang suy giảm, ông Dung nhấn mạnh: “Vì thế sửa luật cần phải tính tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp.
“Có những đối tượng khai thác, có đối tượng phát huy, có đối tượng sử dụng, có đối tượng phải vừa bồi dưỡng, vừa sử dụng, vừa phát huy, vừa sử dụng, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số mà không để giảm đi khả năng đổi mới sáng tạo và không giảm đi động lực tăng trưởng và tăng năng suất lao động”, ông Dung nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, dự thảo Luật Việc làm là dự án phức tạp, vì lao động là một thị trường trong phát triển kinh tế – xã hội.
Qua thảo luận, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan nghiên cứu bổ sung, đánh giá, tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện.
Việt Nam cam kết với quốc tế, và vừa là một trong các nước sáng lập viên trong G20 về Liên minh toàn cầu về chống đói nghèo, việc làm bền vững và an sinh xã hội thỏa đáng vừa qua – đây cũng chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một chính sách xã hội Việt Nam từ ổn định, đảm bảo sang đảm bảo và phát triển.
“Đến giai đoạn năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, chúng tôi hy vọng Luật Việc làm sẽ tiếp tục có những đổi mới để góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội của chúng ta”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/moi-doi-tuong-trong-lao-dong-nhom-tuoi-can-chinh-sach-viec-lam-phu-hop-20241127153359622.htm