(CLO) Quần thể di tích tích đình, đền, chùa Tiên Lục với nhiều công trình khác nhau được sắp xếp, cấu trúc mặt bằng tổng thể gắn kết, hài hoà với thiên nhiên là điều hiếm thấy.
Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Quần thể di tích tích đình, đền, chùa Tiên Lục bao gồm các di tích: đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn, đền Tiên Lục, chùa Phúc Quang và cây Dã hương.
Cụm di tích Tiên Lục nằm trong vùng đất cổ, xưa có tên Nôm là làng “Luộc”, có địa thế phong thuỷ giao hoà. Thời phong kiến, Tiên Lục đã từng được vua ban tặng 4 chữ “Mỹ tục thuần phong” bởi lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc.
Đền Tiên Lục còn gọi là đền Thánh Cả. Đây là ngôi đền được xây dựng khoảng thế kỷ XVII-XVIII cùng niên đại với hai ngôi đình Thuận Hòa và đình Viễn Sơn.
Cả ba công trình tín ngưỡng này đều thờ Thành Hoàng làng là Thần Cao Sơn, Quý Minh Đại vương. Đây là những vị tướng dưới thời vua Hùng Duệ Vương đã có công giúp nhân dân dẹp giặc, đem lại cuộc sống bình an cho quê hương, đất nước.
Đình Thuận Hòa còn thờ Thần Đương Giang Đô thống Đại vương. Đình Viễn Sơn còn thờ Thần là Cây Dã hương.
Dưới thời Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) khi nhà vua đi ngang qua vùng này, thấy cây Dã hương to đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” nghĩa là cây Dã hương to đẹp nhất nước.
Thời Pháp thuộc, cây Dã hương đã được người Pháp liệt vào loại cây cổ thụ lâu đời có hạng ở Đông Dương. Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in bức ảnh cây Dã hương này và ghi rõ đây là cây Dã hương lớn thứ hai thế giới.
Chùa Phúc Quang còn có tên gọi là Tiên Phúc Quang tự, là “một danh lam cổ tích chưa từng có” trong vùng, với quy mô hơn 80 pho tượng lớn nhỏ. Chùa được xây dựng cùng thời với hai ngôi đình và đền. Năm 1707 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3, chùa được trùng lớn, có khắc ghi ở cây hương đá nay còn lưu tại chùa và lấy tên chùa là Phúc Quang tự.
Các di tích trong quần thể đều tọa lạc ở gần nhau và có mối liên hệ mật thiết với nhau và được trường tồn tới ngày nay thông qua các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương.
Lễ hội Tiên Lục được tổ chức vào 3 ngày 18 đến 20 tháng 3 âm lịch. Lễ hội là nơi hội tụ những nét tinh hoa của nền văn minh xóm làng, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Cụm di tích Tiên Lục là quần thể kiến trúc bề thế bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, phân bố hài hòa trong không gian vùng đất cổ kính.
Trong đó, mỗi di tích lại có những đặc điểm riêng về bố cục, kết cấu: Chùa Phúc Quang là một kiến trúc tiêu biểu được xây dựng đặc biệt theo bố cục “nội công ngoại quốc” với 50 tòa ngang, dãy dọc bố trí thông nhau, các cấu kiện đều tạo tác bằng chất liệu gỗ lim theo kết cấu truyền thống.
Đền Tiên Lục kết cấu kiến trúc chữ Đinh, cùng hướng Nam với chùa. Đình Viễn Sơn có bố cục chữ Công, đình Thuận Hòa có bố cục chữ Đinh. Hai ngôi đình này có hướng khác nhau song đều là hướng ngoảnh về chùa, theo hướng Bát Nhã.
Tất cả các công trình được kết nối với nhau bằng cấu trúc đường làng truyền thống, men theo sự thay đổi cao độ. Theo đánh giá, truyền thống hoà vào tự nhiên, phù hợp với từng khung cảnh cụ thể được đề cao khi xây dựng các công trình này. Mặt khác, cụm công trình vẫn được bố trí theo nguyên tắc hướng về Bát Nhã – nhờ có trí tuệ nhà Phật để giải thoát và nguyên tắc “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ” (của đền Thánh Cả).
Một quần thể kiến trúc, với nhiều công trình khác nhau mà có thể sắp xếp, cấu trúc mặt bằng tổng thể tài khéo như ở Tiên Lục rất ít, hiếm thấy. Đó là một sự đặc biệt – một giá trị đặc biệt về cấu trúc không gian – cảnh quan của cụm di tích này.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/doc-dao-quan-the-di-tich-o-tien-luc-vua-duoc-xep-hang-cap-quoc-gia-dac-biet-post323172.html