Bảy giải pháp Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra gắn kết chặt chẽ với nhau, nội dung nọ làm tiền đề cho nội dung kia và ngược lại, cho nên phải thực hiện đồng bộ, tạo sự thúc đẩy lẫn nhau, không có sự “cắt khúc” đơn lẻ nào. Khi phân tích làm sâu sắc thêm quan điểm của Tổng Bí thư về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, trên nguyên tắc, cơ sở Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, việc xây dựng pháp luật vừa phải bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, từ đó tạo đột phá cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể không nói đến đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ cấp chiến lược.
Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể không nói đến đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất cán bộ cấp chiến lược. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; là cái dây chuyền của bộ máy; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ không chỉ là người hoạch định, đề ra chủ trương, đường lối mà còn là người tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối đó.
Vì thế, muốn vững tin bước vào kỷ nguyên mới thì việc nâng cao chất lượng cán bộ lại đặt ra cao hơn bao giờ hết; cán bộ phải có phẩm chất toàn diện, từ lòng yêu nước, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân đến năng lực tư duy đổi mới, tầm nhìn và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Vừa chú trọng phát hiện tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài và điều kiện công tác, quan tâm hơn nữa đối với cán bộ có lòng nhiệt huyết cống hiến tài năng cho đất nước, vừa kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi các vị trí công tác những trường hợp không đủ uy tín, phẩm chất, năng lực thực tiễn. Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng là dịp tốt nhất để thực hiện các yêu cầu đó, kiên quyết không đưa vào cấp ủy khóa mới những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Có đội ngũ cán bộ chất lượng cao là cơ sở tốt nhất để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy đã được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Có đội ngũ cán bộ chất lượng cao là cơ sở tốt nhất để sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Đây cũng là thực trạng đang làm lãng phí, suy giảm đáng kể nguồn nhân lực. Nếu không giải quyết được thì đó không chỉ là gánh nặng đè lên ngân sách mà cùng với lãng phí đầu tư công, tài sản công sẽ là “vật cản” khổng lồ, làm chậm tiến trình, lỡ hẹn con đường về đích của kỷ nguyên mới.
Thực trạng này được Tổng Bí thư Tô Lâm rất quan tâm và đồng chí trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng tới là, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính,… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, thực hiện đồng bộ việc tinh giảm tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý.
Muốn thế, cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số; có cơ chế đột phá thu hút nhân tài; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước,…
Mỗi giải pháp mang một ý nghĩa riêng, nhưng đi chung con đường trong kỷ nguyên mới, tác động qua lại để cùng tạo sự ổn định, phát triển bứt phá toàn diện đất nước, trong đó phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cơ chế quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số,… cũng là nhằm tạo môi trường thông thoáng và các điều kiện thuận lợi nhất, thu hút đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải đột phá mạnh mẽ hơn về cơ chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội của đất nước,…
Nhiệm kỳ khóa XIII sắp kết thúc; Đại hội XIV sẽ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng; và cũng là khi cánh én báo Xuân về, đồng bào ta ở mọi miền Tổ quốc hay ở nước ngoài nô nức mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Công việc trước mắt còn bộn bề, khó khăn cũng không ít. Tin rằng, thông điệp từ người đứng đầu Đảng ta về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ mang đến cho toàn dân khí thế mới, tinh thần mới và quyết tâm mới, khơi thông mọi nguồn lực, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc,…
NHÂN DÂN
Ngày xuất bản: 25/11/2024
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, VGP, VOV, Báo Nhân Dân, Printerest
Nguồn: https://nhandan.vn/khoi-thong-moi-nguon-luc-cho-dat-nuoc-vuon-minh-post846744.html