STO – Sáng ngày 9/5, Tổ công tác của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do đồng chí Tạ Thị Yên – Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội làm tổ trưởng cùng các thành viên có buổi làm việc tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sóc Trăng để nắm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Tham dự cùng đoàn có đồng chí Tô Ái Vang – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Nguyễn Văn Khởi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản tổ chức quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đáp ứng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của chương trình, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu nghị quyết.
Đồng chí Tạ Thị Yên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MAI KHÔI
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (2,19%), trong đó có 3.031 hộ nghèo Khmer; giảm 3.527 hộ cận nghèo (1,07%), trong đó giảm 1.353 hộ cận nghèo Khmer. Hiện tỉnh còn 15.139 hộ nghèo (4,54%) và 26.242 hộ cận nghèo (7,87%). Giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định đạt 90,67% kế hoạch; hiện có 90,66% hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 91,39% hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet…
Tại cuộc họp, các sở, ngành cũng nêu một số hạn chế như việc triển khai và giải ngân nguồn kinh phí thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình còn chậm. Đồng thời, kiến nghị một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình: tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện chương trình; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thực hiện chương trình; khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân…
Tổ công tác tìm hiểu thêm một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của địa phương. Ảnh: MAI KHÔI
Các thành viên Tổ công tác cũng tìm hiểu, làm rõ thêm một số nội dung, nhất là những hạn chế, tồn tại, vướng mắc. Đồng chí Tạ Thị Yên thay mặt tổ ghi nhận tất cả các kiến nghị, đề xuất để báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, với mong muốn tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy hiệu quả nhất trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.
MAI KHÔI