Với 443/456 đại biểu có mặt tán thành, sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn sửa đổi. Một trong những quy định đáng chú ý là tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%.

Ngoài ra, luật mới cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.

bamnut1.jpg
Đại biểu bấm nút thông qua Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: Quốc hội

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

Đáng chú ý, luật mới bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

Về kinh phí công đoàn, Luật Công đoàn sửa đổi đã bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng tại điều 30.

Cụ thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí trong thời gian không quá 12 tháng.

Hết thời hạn tạm dừng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí và đóng bù cho thời gian tạm dừng.

Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng.

Chính phủ sẽ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, so với luật hiện hành, Luật Công đoàn (sửa đổi) có 7 nhóm điểm mới cơ bản.

Trong đó, luật mới mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Điều này, theo bà Thúy Anh, là để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa lao động là người Việt Nam và lao động là công dân nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Điểm mới tiếp theo là bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Luật mới cũng xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp công đoàn. Đồng thời, khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”.

So với luật hiện hành, luật bổ sung nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về công đoàn.

Đặc biệt, luật đã bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn.

Luật Công đoàn sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Ông Nguyễn Đình Khang: Kinh phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động 84%

Ông Nguyễn Đình Khang: Kinh phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động 84%

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, 75% kinh phí công đoàn được chi cho công đoàn cơ sở, 25% chi tiêu cho 3 cấp công đoàn. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ chi trực tiếp cho người lao động lên tới 84%.