Nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang hướng tới các cuộc đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng các nỗ lực ngoại giao có thể làm giảm nguy cơ xung đột.
Theo Reuters ngày 27.11 dẫn 2 nguồn thạo tin, một số nhân vật trong nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Trump xem cách tiếp cận trực tiếp với ông Kim Jong-un là phù hợp để làm tan bằng mối quan hệ Mỹ – Triều Tiên. Các nguồn tin cho hay các cuộc thảo luận về chính sách vẫn chưa rõ ràng và ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Trump quay lại Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ ra sao?
Hiện vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phản ứng như thế nào nếu ông Trump đề nghị đàm phán trực tiếp. Trước đó, trong bài phát biểu tại một cuộc triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Jong-un cho biết: “Chúng tôi đã tiến xa nhất có thể trong việc đàm phán với Mỹ”.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên năm 2017 – 2021, ông Trump đã tiến hành 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao song phương chưa mang lại kết quả cụ thể.
Theo Reuters, mục tiêu trước mắt của ông Trump là tái khởi động những cam kết giữa Mỹ – Triều Tiên ở mức cơ bản, nhưng hiện chưa có lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, tình hình Triều Tiên có thể bị đặt sau các vấn đề cấp bách hơn ở Trung Đông và Ukraine.
Cuối tuần trước, Tổng thống đắc cử Trump đã đề cử ông Alex Wong làm phó cố vấn an ninh quốc gia. Ông Alex Wong là một trong những nhân vật thực thi đề xuất chiến lược tiếp cận trực tiếp với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống của ông Trump.
“Trên cương vị là phó đại diện đặc biệt phụ trách vấn đề Triều Tiên, ông ấy đã hỗ trợ quá trình đàm phán Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều giữa tôi và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”, ông Trump nêu rõ trong tuyên bố đề cử ông Wong.
“Kinh nghiệm của tôi với Tổng thống đắc cử Trump là ông ấy nhiều khả năng sẽ cởi mở hơn trong việc tiếp cận trực tiếp. Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể thấy việc cải thiện quan hệ song phương và có lẽ ông Kim Jong-un có thể đồng ý nếu các cuộc đối thoại được mở lại”, Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Hagerty chia sẻ.
Tuy nhiên, tiến trình đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên cũng đối mặt với một số thách thức. Triều Tiên đang mở rộng một tổ hợp sản xuất vũ khí quan trọng để lắp ráp các loại tên lửa tầm ngắn mà Nga sử dụng ở Ukraine. Giới chức Mỹ cho rằng các yếu tố này làm gia tăng nguy cơ xung đột giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Âu hoặc châu Á, bao gồm Mỹ và các đồng minh.
Bên cạnh đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ở Peru đầu tháng 11, Tổng thống Biden đã đề nghị Bắc Kinh sử dụng sức ảnh hưởng để kêu gọi Triều Tiên kiềm chế. Song, cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị hạn chế trong bối cảnh ông Trump dọa tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, nhiều nhân vật trong nội các mới do Tổng thống đắc cử Trump đề cử như Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho vị trí ngoại trưởng và ông Mike Waltz cho chức vụ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ – đều là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhom-ong-trump-can-nhac-noi-lai-dam-phan-voi-lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-185241127111317503.htm