Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý kiến nghị của Bộ GT-VT về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai không đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được nhiều bộ, ngành, UNESCO và 2 địa phương cơ bản thống nhất. Ảnh: Phạm Tùng |
* 2 phương án kết nối Bình Phước và Đồng Nai
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT phối hợp với các địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải vùng Đông Nam bộ và kết nối với vùng Tây nguyên phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh trong khu vực.
Với tuyến đường kết nối 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, theo Bộ GT-VT, tuyến đường có điểm đầu tại TP.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), đoạn đầu tuyến đi trùng đường tỉnh 753 khoảng 15km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 hướng tuyến gồm.
Phương án 1: do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 – TP.HCM tại TP.Biên Hòa. Tổng chiều dài khoảng 76km, trong đó khoảng 31 km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Phương án 2: do Bộ GT-VT nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú – Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5km xây dựng mới để kết nối với đường Vành đai 4 – TP HCM tại H.Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Tổng chiều dài khoảng 71km.
* Ưu tiên phương án hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Bộ GT-VT nhận định, phương án 1 tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, không phù hợp với Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế. Mặt khác cũng không phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản văn hoá, Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương của Đảng, Chính phủ về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
Trong khi đó, phương án 2 có hướng tuyến kết nối từ TP.Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 – TP.HCM thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp nhất và tận dụng được các tuyến đường địa phương đã và đang được đầu tư xây dựng và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
Về lựa chọn phương án, theo Bộ GT-VT, tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương. Tuy nhiên, do tính chất kết nối liên vùng, Bộ GT-VT đã hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đồng Nai, Bình Phước nhiều lần kiểm tra thực địa, tổ chức họp bàn về phương án đầu tư với sự tham gia của các cơ quan liên quan, trong đó kiến nghị hướng tuyến không đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (không đi qua cầu Mã Đà). Đề xuất này đã được nhiều bộ, ngành, UNESCO và 2 địa phương cơ bản thống nhất.
Phạm Tùng
.