(NB&CL) “Chúng tôi đi sâu tìm hiểu câu chuyện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên giữa trường sư phạm và địa phương. Vì sao các trường đào tạo sư phạm sẵn sàng đáp ứng “cung”, nhưng các địa phương chưa mặn mà đặt hàng?… Trước những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai, việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh Nghị định 116 là yêu cầu, đòi hỏi hết sức cấp thiết” – nhà báo Lê Thu đại diện nhóm tác giả vừa đoạt giải đặc biệt Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam với tác phẩm “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên “Cung” hào hứng – “Cầu” thờ ơ” (do nhóm tác giả Lê Thị Thu, Lê Thị Hằng, Trần Hữu Hưng, Nguyễn Văn Cường thực hiện) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận về loạt bài.
Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo giáo viên phục vụ việc đổi mới giáo dục
+ Thưa chị, được biết, ý tưởng của nhóm tác giả bắt đầu từ cuối năm 2023, khi làm 1 đề tài về tác động của Nghị định 116 đến đặt hàng đào tạo giáo viên cũng như thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Vậy những vướng mắc nào trong quá trình thực hiện Nghị định là lí do quan trọng để nhóm tác giả triển khai loạt bài này?
– Vâng, đúng như vậy. Ý tưởng của loạt bài này bắt đầu từ cuối năm 2023, khi chúng tôi thực hiện 1 talk về câu chuyện hàng nghìn sinh viên sư phạm bị nợ tiền hỗ trợ. Nghị định 116/2020 của Chính phủ khi mới ban hành được xem như một giải pháp có tính đột phá để giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên trên cả nước, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Thực tiễn triển khai Nghị định 116 đã đạt được một số kết quả nhất định. Số lượng thí sinh quan tâm tới các chuyên ngành sư phạm tăng qua từng năm học. Tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, điểm chuẩn và tỷ lệ thí sinh nhập học đều tăng mạnh. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo có thêm nhiều lựa chọn trong việc xét tuyển, đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Thế nhưng, gần 4 năm kể từ khi có hiệu lực, chính sách nhân văn này bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, cho thấy “độ vênh” giữa chính sách với thực tiễn. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc chậm chi hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học. Đáng chú ý, cho đến đầu năm 2023 chỉ có 12/58 trường trực thuộc địa phương được các địa phương giao nhiệm vụ triển khai và chi trả học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên. Nhưng nhiều trường CĐ, ĐH đào tạo sư phạm thuộc địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học. Thống kê của Bộ GD – ĐT cũng cho thấy có một số trường được địa phương sở tại hoặc lân cận đặt hàng nhưng chưa hoặc mới chi trả một phần kinh phí rất nhỏ… Từ thực tế đó, thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao một chính sách nhân văn như vậy, nhằm thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo lại “tắc” khi triển khai?
+ Nhằm thuyết phục công chúng về vấn đề này, nhóm tác giả đã xây dựng tuyến bài và khai thác thông tin như thế nào để hiệu quả từ quá trình đặt vấn đề, lựa chọn phỏng vấn và các giải pháp tháo gỡ, thưa nhà báo?
– Chúng tôi xây dựng loạt bài: “Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên “Cung” hào hứng – “Cầu” thờ ơ”, đi theo mạch 3 bài: Bài 1: Chính sách nhân văn, vì sao lại “tắc”? Bài 2: Thiếu giáo viên trầm trọng, địa phương vẫn thờ ơ. Bài 3: Khơi thông “cung” – “cầu”, tạo sức hút từ chính sách. Ở bài 1, chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân vì sao hàng nghìn sinh viên sư phạm bị nợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt, quyền lợi chính đáng của nhiều sinh viên sư phạm đang bị “bỏ quên”. Bài 2, chúng tôi đi sâu vào câu chuyện tương quan giữa cơ chế đặt hàng đào tạo và vấn đề thiếu giáo viên ở các địa phương. Và lý giải cho câu hỏi vì sao nhiều địa phương thiếu giáo viên, nhưng chưa mặn mà đặt hàng các trường sư phạm. Trong đó nhìn thấy khó khăn chủ yếu là do các địa phương không đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116, việc xử lý kinh phí đào tạo còn vướng, nhiều ngành khó tuyển. Muốn đào tạo nhưng không có đơn đặt hàng từ địa phương, hay nói cách khác có “cung” mà thiếu “cầu”…
Và sau khi đặt hàng đào tạo nếu sinh viên không thực hiện đúng cam kết thì cũng chưa có chế tài. Một bất cập nữa là sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng sau khi tốt nghiệp muốn được công tác trong ngành giáo dục vẫn phải vượt qua kỳ thi tuyển dụng viên chức. Đây là một trong những lo ngại khiến cho cả sinh viên và địa phương ngần ngại tham gia đề án đặt hàng đào tạo giáo viên.
Sự khác biệt trong xác định tiêu chí cũng như hàng loạt vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đặt hàng đào tạo giáo viên khiến một chính sách nhân văn của Chính phủ chưa thể phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp “khơi thông” Nghị định 116 cho nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, nếu chỉ sửa đổi Nghị định mà không có thêm các giải pháp khác thì sẽ rất khó để tháo gỡ triệt để những khó khăn trong công tác đào tạo giáo viên phục vụ nhiệm vụ đổi mới giáo dục nước ta những năm tới. Nội dung này chúng tôi tập trung giải quyết ở bài 3 cũng là bài cuối trong loạt bài.
Không dễ để người trong cuộc lên tiếng…
+ Triển khai một đề tài vĩ mô, tháo gỡ một bài toán khó và thậm chí là “không dễ để người trong cuộc lên tiếng”, vậy đâu là thách thức lớn của nhóm tác giả khi thực hiện tác phẩm, thưa chị?
– “Không dễ để người trong cuộc lên tiếng”, đúng như chị nói, đó cũng là thách thức của nhóm tác giả. Với loại hình phát thanh, truyền hình thì để nhân vật lên tiếng còn thách thức hơn. Có thể khi nói chuyện, trao đổi bình thường họ sẽ thoải mái chia sẻ, nhưng khi chúng tôi muốn ghi âm để lấy tiếng thì họ sẽ e dè hơn. Ví dụ như chúng tôi phỏng vấn hiệu trưởng một Trường ĐH Sư phạm, họ rất thoải mái nêu khó khăn, bất cập khi các địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo, nhưng từ chối nêu cụ thể tỉnh nào. Bởi vì họ vẫn ở trong thế “chào hàng” bằng cách gửi thư mời tới các địa phương… Vì thế, thách thức nhất vẫn là thuyết phục để làm sao nhân vật chúng tôi muốn phỏng vấn có thể nói những thông tin cần thiết cho loạt bài, cũng như cung cấp các con số cụ thể.
Thách thức nữa chính là việc đặt tít. Báo in và báo điện tử có lẽ đã quá quen và “siêu” trong việc đặt tít để thu hút bạn đọc. Còn với phát thanh thì thực sự là thách thức, làm sao để tên phải bao trùm vấn đề mình viết, nhưng cũng phải mang hiệu ứng âm thanh, từ ngữ. Chị Lê Hằng là lãnh đạo và chỉ đạo chúng tôi viết loạt này đã gợi ý rằng làm sao để nêu ý tứ là: trong khi các trường sư phạm rất sốt sắng để đào tạo sinh viên, sẵn sàng cung cấp nguồn giáo viên cho các địa phương, nhưng ngược lại các địa phương lại thờ ơ, không mặn mà trong việc đặt hàng. Giống như là hai phía đối nghịch: trên nóng – dưới lạnh… Từ đó tít của loạt bài ra đời trên cơ sở sự bàn bạc, góp ý của các thành viên trong nhóm.
+ Với loạt bài công phu này, nhóm tác giả mong muốn sẽ có những chuyển biến gì trong hành trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực thời gian tới, thưa chị?
– Trước những vướng mắc qua gần 4 năm triển khai, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116. Theo đó, dự thảo Nghị định mới sẽ không còn cơ chế đấu thầu mà chỉ còn giao nhiệm vụ đặt hàng cơ sở đào tạo nhưng không bắt buộc. Đối với kinh phí phục vụ đào tạo thay vì cấp tỉnh phải chi trả, Bộ GD&ĐT đề xuất ngân sách Trung ương chi trả toàn bộ, địa phương có trách nhiệm chi trả kinh phí đào tạo đối với các trường sư phạm do địa phương quản lý. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Nghị định 116 đang được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến. Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 116 thì nhiệm vụ “xác định nhu cầu đào tạo thuộc trách nhiệm địa phương (63 tỉnh/thành phố). Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ thuật ngữ “nhu cầu đào tạo giáo viên” (thường do ngành Giáo dục tính toán) và “nhu cầu tuyển dụng giáo viên” (do ngành Nội vụ tính toán).
Chúng tôi mong muốn qua loạt bài này góp một tiếng nói cùng các cơ quan báo chí khác để chính sách nhân văn thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tốt hơn trong thực tiễn. Trên tinh thần đó, các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động làm việc với chính quyền địa phương, đề xuất với cơ quan quản lý về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh thật sự hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm, giúp một bộ phận sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chính sách nhân văn của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh hướng tới “Kỷ nguyên vươn mình” của đất nước, trong đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
+ Trân trọng cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: https://www.congluan.vn/chung-toi-mong-muon-gop-phan-dua-chinh-sach-nhan-van-thuc-su-di-vao-cuoc-song-post322170.html