(Tổ Quốc) – Bảo vệ bản quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc… vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của đơn vị quản lý Nhà nước về Bản quyền tác giả tại Việt Nam cũng như những nhà sản xuất, các nhạc sĩ, nghệ sĩ… Sự quan tâm đó càng được chú trọng trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Ngành công nghiệp sáng tạo cần được pháp luật bản quyền tác giả bảo vệ
Theo số liệu 1 cuộc khảo sát của WIPO, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền chiếm khoảng 11,99% GDP, tại Hàn Quốc là 9,89% GDP, tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, tại Malaysia là 5,7% GDP và Thái Lan là 4,48% GDP.
Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng, giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm. Lực lượng lao động trong lĩnh vực này giai đoạn 2018-2022 từ 1,7 triệu lên 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. Năm 2021, có 198 không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập.
Ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng được nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp khoảng 7% GDP của đất nước.
Kỷ nguyên số và Internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Tuy nhiên, thời đại số cũng đặt ra những thách thức về vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ bản quyền tác giả tác phẩm.
Trong thời đại số, việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là việc cấp phép sử dụng xuyên biên giới trên không gian mạng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý.
Chính trong bối cảnh này, vai trò của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của các quốc gia, các tổ chức, đơn vị liên quan càng cần phải được quan tâm, chú trọng và phát huy vai trò của mình trong quy trình bảo vệ quyền tác giả.
Điều này được UNESCO nhận định rõ ràng từ năm 2007: Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hoá, tin học hoá, thương phẩm hóa nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội và các hoạt động đó được bảo vệ bằng pháp luật bản quyền tác giả.
Những đề xuất giải pháp cụ thể về mặt pháp lý cũng như công nghệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung về quyền tác giả, những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung là những nội dung quý đối với Việt Nam trong quá trình thực thi bảo vệ bản quyền tác giả tác phẩm.
Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh cũng như từ những số liệu này cho thấy, nếu bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan thật tốt thì mới có thể góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thách thức trong thời đại số
Tại Việt Nam, tình hình số liệu đăng ký bản quyền tác giả những năm gần đây tương đối khả dĩ. Từ số giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan năm 2018 được cấp là 7063 giấy chứng nhận, qua các năm đều có sự tăng lên rõ rệt (trừ năm 2021 giảm do tác động của dịch Covid-19) thì tới năm 2023, đã có 11111 giấy chứng nhận được cấp.
Việt Nam tích cực chủ động tham gia, hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Việc này khiến cho các tác giả, chủ sở hữu quyền có thể được hưởng những lợi ích kinh tế tại các thị trường rộng lớn hơn nhiều so với thị trường trong nước. Bên cạnh đó, khiến cho vị thế cạnh tranh của các tác giả tại thị trường trong nước tăng lên, khuyến khích cho sáng tạo và phát triển cơ sở vật chất, nguồn lực cho các ngành công nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy quá trình giao lưu văn hoá, trao đổi thông tin, công nghệ, giải trí…
Việt Nam tham gia, ký kết 2 hiệp định song phương (Hiệp định quyền tác giả và Hiệp định Bảo hộ Sở hữu trí tuệ) với Hoa Kỳ, Liên bang Thụy Sĩ. Và 14 hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia và khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới co nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (Hiệp định EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP), cùng đó là các hiệp định với Hàn Quốc, Nhật Bản, với khu vực Tây Bắc Á…
Trong thời đại khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, cơ quan quản lý về bản quyền tác giả của Việt Nam bước đầu nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối diện với những thách thức của trí tuệ nhân tạo AI cũng như công nghệ mới mang đến. Chẳng hạn, cập nhật thông tin về sự phổ biến của các dịch vụ AI tổng hợp, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệAI trong ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật…
Hay tìm hiểu về những xung đột tiềm tàng với các hệ thống bản quyền truyền thống dựa trên sự sáng tạo của con người, chẳng hạn, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI và các vấn đề về bản quyền như: Bảo vệ đầu ra AI theo chế độ bản quyền như thế nào, bồi thường cho việc sử dụng tác phẩm để đào tạo AI ra sao, có cần phải công khai hay không… thực tế này đòi hỏi phải xác định rõ các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý để chuẩn bị sẵn sàng cho thời đại số- kỷ nguyên AI.
Với tâm thế sẵn sàng đối diện với những thách thức của thời đại mới, cơ quan bảo vệ bản quyền tác giả văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cùng với sự chung tay của các cơ quan hữu quan, thể hiện qua các chương trình phối hợp, quy chế hợp tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi nhằm tạo ra cơ chế phối hợp, hợp tác cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các cơ quan quản lý và thực thi trong đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hy vọng sẽ cùng nhau bảo vệ được bản quyền tác giả trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://toquoc.vn/san-sang-tam-the-bao-ve-ban-quyen-tac-gia-trong-ky-nguyen-so-20241126193156015.htm